Chủ tịch nước: Dồn sức thực hiện những điều cử tri còn gửi gắm

Tiếp xúc cử tri TP.HCM, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định thời gian còn lại của nhiệm kỳ sẽ dồn sức thực hiện những điều cử tri gửi gắm.
Chủ tịch nước: Dồn sức thực hiện những điều cử tri còn gửi gắm ảnh 1Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với các cử tri. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

"Phải dồn sức trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ để thực hiện những điều cử tri còn gửi gắm" là khẳng định được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh không chỉ một lần, trong cuộc tiếp xúc cử tri quận 1 và quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 5/12.

Tại cuộc tiếp xúc được xem là cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã báo cáo lại quá trình thực hiện trọng trách của người đại biểu nhân dân trong 5 năm, đồng thời tiếp thu và giải đáp nhiều vấn đề người dân băn khoăn, trăn trở.

Còn hạn chế trong giúp đỡ cử tri

Trong bản báo cáo tóm lược quá trình thực hiện và chương trình hành động của đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ cảm ơn cử tri đã tín nhiệm bầu làm người đại diện.

Chủ tịch nước nêu rõ dù phải ưu tiên quỹ thời gian cho công việc của Chủ tịch nước, nhưng luôn ý thức được nhiệm vụ phải gắn bó và tiếp xúc cử tri dưới nhiều hình thức, để nghe tâm tư và nguyện vọng của bà con trước và sau mỗi kỳ họp, thực hiện chức năng giám sát của Đại biểu Quốc hội trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của công dân thông qua giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Về công tác tiếp xúc cử tri, trong nhiệm kỳ, Chủ tịch nước đã tiếp xúc 52 buổi, trong đó có 4 buổi tiếp xúc cử tri theo chuyên đề với số lượt cử tri tham dự là 16.154 lượt; tiếp thu 616 ý kiến phát biểu.

Số lượng cử tri tăng dần từng năm từ 3.609 lượt (năm 2012) lên 4.247 lượt cử tri (năm 2015) với sự đa dạng về thành phần. Từ thời điểm ban đầu chủ yếu là cán bộ công chức, cán bộ hưu trí, cựu chiến binh, đến nay cử tri tại các cuộc tiếp xúc gồm cả doanh nghiệp, Hội Luật gia, luật sư, đoàn thanh niên, các tổ chức tôn giáo...

Đầu nhiệm kỳ, các vấn đề nêu ra chủ yếu về vấn đề khiếu nại, tranh chấp, sau đó được rút kinh nghiệm, cử tri đã tham gia vào nhiều nội dung chủ yếu liên quan đến công việc của Quốc hội trước và sau các kỳ họp hàng năm.

Tại mỗi buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước đã dành thời gian trả lời và giải đáp từ 10-17 vấn đề; tổng hợp các vấn đề của cử tri gửi đến Quốc hội, các cơ quan Trung ương, chính quyền cơ sở; trực tiếp làm việc và giám sát đối với 15 vụ việc khiếu nại - tố cáo phức tạp kéo dài.

Đến nay, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã giải quyết và trả lời 135/176 khiếu nại tố cáo, kiến nghị của cử tri, đạt tỷ lệ gần 80%.

Về kết quả thực hiện chương trình hành động đã trình bày trước cử tri, Chủ tịch nước cho rằng đã cùng với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động hợp pháp, giám sát và quyết định các vấn đề lớn của đất nước, đóng góp vào các chủ trương, chính sách lớn trong nhiệm kỳ vừa qua, đạt được những kết quả quan trọng.

Về kinh tế, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô dần ổn định, ba đột phá chiến lược được tập trung thực hiện. Văn hóa, xã hội có bước phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm.

Chủ tịch nước cũng chỉ ra một số tồn tại trong nhiệm kỳ, đó là có chỉ tiêu kinh tế-xã hội không đạt, kinh tế vĩ mô chưa thật sự vững chắc, nợ công tăng nhanh, sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp.

Chủ tịch nước bày tỏ tuy đã toàn tâm, toàn ý, phấn đấu để phục vụ cho đất nước, nhưng do quỹ thời gian bị động, nên tự nhận thấy việc tiếp xúc cử tri, giải quyết khiếu nại tố cáo còn hạn chế so với yêu cầu của cử tri, mong được cử tri thông cảm.

Nhiều cử tri tại buổi tiếp xúc đã hoan nghênh và đánh giá cao quá trình công tác của tổ đại biểu Quốc hội, trong đó có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch.

Cử tri cho biết, bà con luôn tự hào về hoạt động hiệu quả của tổ đại biểu Quốc hội trên diễn đàn Quốc hội cũng như hoạt động đối nội, đối ngoại của đất nước. Qua nhiều lần tiếp xúc, nhiều cử tri cho rằng đây là nhiệm kỳ sôi nổi nhất và mong muốn các đại biểu Quốc hội tiếp tục góp thêm tiếng nói, cống hiến tâm huyết, trí lực trong khoảng thời gian còn lại của nhiệm kỳ.

Chủ tịch nước cho biết còn nhiều băn khoăn trăn trở khi nguyện vọng của cử tri còn chưa được thực hiện thấu đáo. Theo Chủ tịch, không thể có chuyện chưa hết thời hạn, bàn giao công việc cho khóa sau để thoái thác trách nhiệm.

Dù ngày mai nghỉ, hôm nay vẫn phải làm việc; còn giây phút nào công tác cũng phải cố gắng hoàn thành chức trách. Thời gian còn lại, Chủ tịch nước cùng các Đại biểu Quốc hội sẽ cố gắng làm tròn nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân.

"Làm công dân tốt còn hơn làm cán bộ tồi"

Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri đã làm "nóng" hội trường với những kiến nghị và chất vấn về những chủ đề gây bức xúc trong dư luận.

Nhiều lần tham dự các kỳ tiếp xúc cử tri, bà Nguyễn Thị Nguyệt và ông Trần Hoàng Nam, quận 1, thẳng thắn đặt vấn đề phải nâng cao hơn nữa vai trò của Quốc hội thông qua chất vấn và tăng thẩm quyền giám sát, xử lý sai phạm; đồng thời bày tỏ sự không đồng tình với nội dung trả lời thiếu trách nhiệm của lãnh đạo một số bộ, ngành tại nghị trường.

Cử tri Nguyễn Hoài Nam đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát các tập đoàn kinh tế Nhà nước, bán cổ phần để thu hồi vốn cho ngân sách, chú trọng khu vực kinh tế tư nhân, xử lý người đứng đầu doanh nghiệp Nhà nước nếu để thất thoát tài sản.

Cử tri Trần Quang Tuấn lên tiếng: Trong tình hình hiện nay, để bảo vệ vững chắc chủ quyền, không chỉ dựa vào vũ khí hiện đại mà phải dựa vào thế trận lòng dân, chiến tranh nhân dân. "Đã gọi những kẻ tham nhũng là giặc nội xâm thì không thể coi là đồng chí để phê bình, phải có biện pháp mạnh hơn nữa để trị tham nhũng chứ không thể cứ xuề xòa cho qua"- ông Tuấn nêu rõ.

Cử tri Nguyễn Trung Dũng bày tỏ, trước thềm nhiệm kỳ mới, cử tri quan tâm đến đức và tài của cán bộ nhận trọng trách, dù là trường hợp con em cán bộ hay người dân cũng phải có tâm, có tầm.

Đại biểu Lê Văn Cẩn quận 3, bức xúc bày tỏ quan ngại về gánh nặng nợ công. Ông cũng cho rằng kỷ luật ngân sách hiện còn chưa nghiêm, các tỉnh, thành dù ở nhóm giàu hay nghèo đều xin Trung ương cho tăng chi.

Nhiều đại biểu cũng đề cập đến tình hình biển Đông, bảo vệ ngư dân và quan điểm của Đảng, Nhà nước liên quan đến chủ quyền biển đảo, việc bồi thường và khắc phục oan sai, vị trí của môn Sử trong đổi mới chương trình sách giáo khoa...

Trao đổi với cử tri về thực trạng tình hình đất nước, Chủ tịch nước cho rằng những ý kiến của cử tri về quản lý xã hội còn nhiều hạn chế trong bối cảnh hội nhập là hoàn toàn đúng.

Đất nước đã đạt được nhiều thành tựu nhưng phải thừa nhận quản lý Nhà nước còn bộc lộ yếu kém trên nhiều lĩnh vực. Chủ tịch nước nhấn mạnh cải cách tốt nhất phải bắt đầu từ con người, nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý, gắn với giám sát chặt chẽ trong quá trình thực thi.

Đề cập việc thất thoát trong quản lý kinh tế tại các tập đoàn kinh tế Nhà nước được cử tri phản ánh, Chủ tịch nước nhấn mạnh doanh nghiệp Nhà nước có vị trí quan trọng trong việc đóng góp vào sự phát triển đất nước, phải công bằng trong nhìn nhận thành tựu và hạn chế. Đảng, Nhà nước đã và sẽ xử lý nghiêm những sai phạm.

Việc quản lý đối với các doanh nghiệp Nhà nước thời gian qua vẫn còn lúng túng, thực hiện tái cơ cấu chưa triệt để. Do vậy cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả để đủ sức cạnh tranh khi hội nhập với khu vực và thế giới.

Về chống tham nhũng, Chủ tịch nước cho rằng đây là vấn đề không mới nhưng rất thời sự. Thời gian qua các cơ quan chức năng đã làm rất quyết liệt, nhưng chưa đạt mục tiêu đặt ra.

Để đạt được kết quả cao phải có được những con người rất dũng cảm trong cấp ủy, trong bộ máy chính quyền; phải dám chỉ ra và đấu tranh với những tiêu cực, tham nhũng. Chủ tịch nước nhắc lại câu chuyện khi gặp các bạn tù thời chiến, trong số họ nhiều người chiến tranh không sợ chết, trong tù vẫn đấu tranh kiên cường. Vậy mà giờ đây, khi góp ý trong nội bộ cũng không mạnh dạn. "Chắc sợ con em mình không được nâng đỡ, hoặc sợ dự án không được duyệt... Vậy cũng là cá nhân, ích kỷ" - Chủ tịch nước chia sẻ.

"Làm quốc doanh mà tệ hại, tham nhũng thì thà anh làm công nhân mà đàng hoàng. Một công dân tốt hơn một cán bộ xấu"- Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Trước ý kiến chất vấn của cử tri về tình hình biển Đông, Chủ tịch nước khẳng định quan điểm trước sau như một của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam là không bao giờ thừa nhận hành vi dùng vũ lực của Trung Quốc chiếm đóng ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Nhà nước luôn khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sự chiếm đóng bằng bạo lực của Trung Quốc là bất hợp pháp. Với việc ASEAN và Trung Quốc đã kí DOC, trong đó cam kết giữ nguyên hiện trạng, hoạt động tôn tạo đảo của Trung Quốc là trái với DOC.

Việt Nam phản đối đường "lưỡi bò" phi lý của Trung Quốc, được các nước đồng tình và bạn bè quốc tế có lương tri ủng hộ.

Về việc hỗ trợ ngư dân đóng tàu, Chủ tịch nước cho rằng việc giải ngân 1.600 tỷ đồng còn chậm do các vấn đề về thủ tục. Sự chậm trễ này cùng sự yếu kém kéo dài trong bộ máy công quyền, dù đã được uốn nắn nhưng dân chưa hài lòng, phải sớm chấn chỉnh.

Liên quan đến chuyện nợ công, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mong cử tri nâng cao vai trò giám sát. Theo Chủ tịch nước, nếu nợ công tăng do nhu cầu phát triển, đến hạn có tiền để trả thì không đáng ngại. Nhưng trước thực tế vẫn còn xảy ra hoang phí và số nợ đang diễn tiến năm sau cao hơn năm trước, thì cử tri cần tăng giám sát để đầu tư hiệu quả.

"Nếu ở địa bàn nào, các cử tri cũng thẳng thắn, không ngại chỉ ra những yếu kém, thì "sức khỏe" của "cơ thể" đất nước chắc chắn tráng kiện hơn"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục