Chủ tịch nước dự Hội nghị Doanh nghiệp APEC

Chủ tịch nước nêu lên 3 kinh nghiệm của Việt Nam khi là diễn giả chính tại phiên thảo luận về “Đầu tư phát triển tại các nền kinh tế mới nổi.”
Sáng 14/11, bên lề Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 17 tại Singapore, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã dự Hội nghị thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC với chủ đề “Tái thiết nền kinh tế toàn cầu”.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết là diễn giả chính tại phiên thảo luận về “Đầu tư phát triển tại các nền kinh tế mới nổi,” một khía cạnh của quá trình tái thiết kinh tế toàn cầu từ góc nhìn và thực tiễn của Việt Nam.

Trước đông đảo tổng giám đốc điều hành các tập đoàn kinh tế, công ty lớn của 21 nền kinh tế thành viên APEC, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nêu rõ, châu Á-Thái Bình Dương là khu vực có nhiều nền kinh tế mới nổi năng động và thành công nhất, góp phần quan trọng và tăng trưởng kinh tế của khu vực và thế giới.

Kể từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước, thế giới đã chứng kiến sự bùng phát dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu và đóng góp đáng kể vào những thành tựu kinh tế ngoạn mục. Dòng vốn FDI có xu hướng suy giảm trong năm 2009 do khủng hoảng tài chính toàn cầu, song được dự báo sẽ phục hồi trở lại trong năm 2010 và tiếp tục tăng sau đó.

Triển vọng này chính là do các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp nhận thấy ngày càng rõ cơ hội đầu tư trên thế giới nói chung và tại các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi nói riêng.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh vấn đề đặt ra đối với các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi không chỉ là thu hút được FDI, mà phải là thu hút một cách hiệu quả dòng vốn này.

Từ thực tiễn của Việt Nam, Chủ tịch nước nêu ra 3 kinh nghiệm: Thứ nhất, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, hoàn thiện luật pháp, cải cách hành chính đi cùng với phát triển kết cấu hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Chủ tịch nước khẳng định, thu hút hiệu quả luồng vốn FDI luôn là một định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Thực tiễn cho thấy, để thu hút FDI thực sự hiệu quả, việc tạo dựng một môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, giảm thiểu chi phí giao dịch và đặc biệt là đảm bảo ổn định chính trị, xã hội có ý nghĩa hơn nhiều so với các biện pháp kích thích tài chính như giảm thuế, miễn thuế.

Kinh nghiệm thứ hai của Việt Nam được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nêu ra là phải gắn kết chính sách vượt qua khó khăn trong ngắn hạn với tạo dựng tiền đề tốt hơn cho phát triển bền vững trong dài hạn.

Chẳng hạn, khi đối mặt với bất ổn kinh tế vĩ mô năm 2008 và cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu hiện nay, Việt Nam đã thực thi chính sách ổn định kinh tế vĩ mô và kịp thời chuyển sang thực hiện gói kích thích kinh tế, chống suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, những cải cách nhằm hoàn thiện khuôn khổ luật pháp, nhất là về tài chính, đất đai, lao động, đơn giản hoá thủ tục hành chính và cải cách doanh nghiệp nhà nước... vẫn được triển khai quyết liệt.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng cho rằng, cần có biện pháp hạn chế, giảm thiểu những rủi ro có thể phát sinh khi luồng vốn bên ngoài gia tăng, trong đó có vốn FDI. Bài học rút ra ở đây là cần có ứng xử khéo léo với các dòng vốn nước ngoài để vừa thu hút được nguồn lực cho phát triển, đồng thời hạn chế được những rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô không đáng có.

Đề cập vấn đề APEC đang phải đối phó, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang trải qua cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ sau Đại suy thoái 1929-1933 và đặt ra nhiều vấn đề mới đáng suy nghĩ, APEC phải coi trọng và tăng cường hợp tác, liên kết quốc tế, khu vực.

Quyết tâm và nỗ lực của mỗi nền kinh tế là vô cùng cần thiết, nhưng vai trò phát triển và trách nhiệm xã hội của cộng đồng doanh nghiệp trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Các doanh nghiệp nói chung và các nhà đầu tư nói riêng phải có trách nhiệm cùng với Chính phủ và cộng đồng tháo gỡ khó khăn để tái thiết nền kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục