Chủ tịch nước khảo sát tình hình kinh tế-xã hội ở Bình Định

Trong hai ngày 20-21/2, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác Trung ương đã có chuyến khảo sát thực tế kinh tế-xã hội tại tỉnh Bình Định.
Chủ tịch nước khảo sát tình hình kinh tế-xã hội ở Bình Định ảnh 1 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm và khảo sát Khu Kinh tế Nhơn Hội (thành phố Quy Nhơn). (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Trong hai ngày 20-21/2, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác Trung ương đã thăm và làm việc tại tỉnh Bình Định.

Tại xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, Chủ tịch nước đã trực tiếp thăm hỏi các ngư dân đang tham gia các tổ đánh bắt thủy sản. Với nhiều hình thức liên kết trong sản xuất, dịch vụ hậu cần nghề cá, các tổ đánh bắt thủy sản xa bờ tại xã Tam Quan Bắc đã chứng minh hiệu quả thực tiễn, kiên trì bám biển, mạnh dạn vay vốn đầu tư, đóng tàu công suất lớn, khai thác hiệu quả nguồn hải sản trên các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Tiêu biểu là Tổ đánh bắt thủy sản Sáu Ninh với 16 tàu công suất từ 300-500CV, thu hút 200 lao động đã vượt qua những khó khăn do thiên tai, rủi ro, không ngừng vươn xa bám biển.

Chủ tịch nước đã khảo sát thực tế hoạt động đánh bắt cá tại cửa biển Tam Quan, cửa ngõ ra biển quan trọng của hàng nghìn tàu thuyền ngư dân trong và ngoài tỉnh. Do thiếu kinh phí nâng cấp, hiện tình trạng bồi lấp luồng lạch tại cửa biển Tam Quan ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động ra vào của phương tiện đánh bắt.

Nói chuyện với bà con xã Tam Quan Bắc, Chủ tịch nước hoan nghênh mô hình hoạt động của các tổ đội đánh bắt thủy sản đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, vừa làm nhiệm vụ kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Chủ tịch nước căn dặn các ngư dân khi hoạt động đánh bắt trên biển phải chú ý tuân thủ các quy định quốc tế, nếu xảy ra vụ việc phải báo cáo chính xác, kịp thời với cơ quan chức năng để được giúp đỡ.

Ghi nhận những kiến nghị của ngư dân về hỗ trợ kỹ thuật đánh bắt, bảo quản, tiêu thụ thủy sản, Chủ tịch nước đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh Bình Định, tạo điều kiện để người dân Tam Quan Bắc tháo gỡ khó khăn, nâng cao giá trị sản phẩm sau thu hoạch; hạn chế tình trạng giá cả bấp bênh, tư thương ép giá.

Rời xã ven biển Tam Quan Bắc, Chủ tịch nước cùng đoàn công tác đã đến vùng thượng du của Bình Định.

Tại xã An Quang, huyện An Lão, Chủ tịch nước đã đến thăm và tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo gặp nhiều khó khăn.

Là nơi có nhiều đồng bào dân tộc H'rê sinh sống, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo hộ nghèo tại xã An Quang được thực hiện thường xuyên. Đời sống bà con dân tộc vùng cao có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, do trình độ dân trí thấp, điều kiện canh tác lạc hậu, các chương trình xây dựng nông thôn mới, đầu tư hạ tầng, phát triển nghề rừng còn chậm được triển khai. Cơ sở vật chất và thiết chế văn hóa đã được đầu tư nhưng còn nhiều thiếu thốn. Đây là những nội dung được chính quyền và người dân xã bày tỏ với Chủ tịch nước và đoàn công tác trong buổi tiếp xúc.

Chủ tịch nước đã đến thăm, động viên cán bộ công nhân cảng Quy Nhơn. Nhờ đoàn kết, đổi mới, cán bộ, công nhân cảng Quy Nhơn đã đưa đơn vị trở thành lá cờ đầu của ngành vận tải biển về công suất bốc dỡ hàng hóa, giảm chi phí một tấn hàng qua cảng; nâng cao doanh thu trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Thăm Khu kinh tế Nhơn Hội, Chủ tịch nước đã nghe báo cáo về tình hình thu hút đầu tư tại khu công nghiệp trọng điểm của Bình Định. Với diện tích quy hoạch 12.000ha, Khu kinh tế Nhơn Hội thu hút được 34 dự án đầu tư với số vốn 1,2 tỷ USD. Hiện tỉnh Bình Định đang nỗ lực làm việc với Tập đoàn Dầu khí Thái Lan để triển khai dự án khả thi Tổ hợp Lọc hóa dầu tại Khu kinh tế Nhơn Hội.

Sau khi đi thực tế tình hình tại các trọng điểm kinh tế-xã hội tại địa phương, Chủ tịch nước và đoàn công tác Trung ương đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Định. Chủ tịch nước ghi nhận tỉnh đã hoàn thành phần lớn các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Sự phát triển tương đối đồng đều về hạ tầng, thiết chế văn hóa giữa các vùng miền của Bình Định nằm trong định hướng của Đảng, Nhà nước, hướng tới tăng trưởng bền vững, đảm bảo an sinh.

Hoan nghênh các lĩnh vực phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư, xóa đói giảm nghèo của Bình Định đều đạt được nhiều tiến bộ, Chủ tịch nước đánh giá cao sáng tạo của tỉnh trong xây dựng những mô hình tổ khai thác đánh bắt thủy sản; hoán cải đội tàu đủ tiêu chuẩn, phát triển dịch vụ hậu cần nghề biển.

Chủ tịch nước cũng đồng tình với những giải pháp của Bình Định trong xây dựng nông thôn mới, làm thay đổi diện mạo kinh tế-xã hội địa phương.

Về khó khăn tồn tại, Chủ tịch nước chỉ rõ, dù dồn sức đầu tư tối đa, hạ tầng của Bình Định vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, cụ thể như việc quy hoạch và phát triển các tuyến đường giao thông huyết mạch vùng Trường Sơn Đông; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hồ đập thủy lợi.

Ủng hộ đề nghị của tỉnh về xây dựng quỹ hỗ trợ ngư dân, Chủ tịch nước nhấn mạnh, kết quả tăng trưởng của Bình Định về nghề biển, nghề rừng chưa tương xứng với tiềm năng. Tỉnh cần khẩn trương rà soát những bất cập trong lĩnh vực đánh bắt hải sản và phát triển nghề rừng, từ đó huy động nguồn lực, ban hành chính sách hỗ trợ nông dân phát triển lâm, ngư nghiệp.

Chủ tịch nước đề nghị các sở, ngành của tỉnh Bình Định cần tìm mọi cách tháo gỡ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị đã từng hoạt động hiệu quả, tạo dựng được thị trường, thương hiệu.

Với những kiến nghị của tỉnh về triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn, Chủ tịch nước lưu ý tỉnh chú ý lựa chọn các nhà đầu tư đủ năng lực, kết hợp kiểm chứng thực tiễn với tầm nhìn tương lai, đảm bảo sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục