Chủ tịch nước thăm Venezuela, dự APEC 16

Ngày 18/11, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và đoàn đại biểu Nhà nước Việt Nam rời Hà Nội đi thăm chính thức Cộng hòa Boliva Venezuela từ ngày 19 - 20/11 và tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 16 tại thủ đô Lima, Peru trong 2 ngày 22 và 23/11.

Ngày 18/11, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và đoàn đại biểu Nhà nước Việt Nam rời Hà Nội đi thăm chính thức Cộng hòa Boliva Venezuela từ ngày 19 - 20/11 và tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 16 tại thủ đô Lima, Peru trong 2 ngày 22 và 23/11.

Chuyến thăm được thực hiện theo lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Bolivia Venezuela Hugo Chavez Frias và Tổng thống nước Cộng hòa Peru Alan Garcia Perez.

Cùng đi với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong chuyến thăm Venezuela lần đầu tiên của Nguyên thủ Nhà nước Việt Nam có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Nguyễn Văn Chiền và nhiều Bộ trưởng, Thứ trưởng của một số bộ, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Văn Dũng.

Chuyến thăm nhằm cụ thể hóa các thỏa thuận hợp tác giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; thúc đẩy các dự án hợp tác trong các lĩnh vực hai bên có nhu cầu; ký kết các thỏa thuận, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hợp tác song phương; đưa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước đi vào thực chất và hiệu quả.

Việt Nam và Venezuela thiết lập quan hệ ngoại giao tháng 12/1989. Quan hệ hữu nghị và hợp tác các mặt giữa hai nước thời gian qua có những bước phát triển tích cực. Hai nước tăng cường các cuộc tiếp xúc và trao đổi đoàn như chuyến thăm Venezuela của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh từ 30/5-1/6/2007, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hugo Chavez ngày 31/7-1/8/2006.

Nổi bật trong chuyến thăm Venezuela của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, hai nước đã ra Tuyên bố Cấp cao khẳng định hai bên xây dựng “quan hệ đối tác toàn diện”.

Khóa họp I Ủy ban liên Chính phủ hai nước vừa được tổ chức tháng 8/2008 triển khai thỏa thuận cấp cao hai nước, xác định các lĩnh vực hợp tác, thúc đẩy các dự án cụ thể, nhất là về năng lượng-dầu khí, công nghiệp, nông nghiệp; khuôn khổ pháp lý cho hợp tác song phương từng bước được hoàn thiện.

Hai bên đã ký một loạt các hiệp định và văn kiện hợp tác như Hiệp định khung hợp tác giữa Chính phủ hai nước, các hiệp định hợp tác về văn hóa và năng lượng, thỏa thuận thành lập 3 ủy ban liên chính phủ hợp tác về tư tưởng, quốc phòng và kinh tế, Hiệp định miễn thị thực đối với người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ và Thỏa thuận thiết lập cơ chế tham khảo chính trị giữa hai Bộ ngoại giao. Tháng 8 vừa qua, hai nước cũng đã ký Hiệp định hợp tác về du lịch, nông nghiệp, Chương trình trao đổi văn hóa 2008-2010 và các bản ghi nhớ về hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Hai bên tiến hành đàm phán nhiều hợp đồng, dự án dầu khí ở hai nước với tổng đầu tư trị giá hàng tỷ USD.

Trao đổi thương mại giữa hai nước tuy có tiềm năng, nhưng hiện còn ở mức rất khiêm tốn, đạt 11,7 triệu USD năm 2007 và 6 tháng đầu năm 2008 đạt 10,1 triệu USD, trong đó Việt Nam hiện đang xuất siêu./.
 

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục