Tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri, ngày 3/12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đại biểu Quốc hội đã gặp gỡ 300 cử tri quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại buổi tiếp xúc các cử tri đã kiến nghị, chất vấn về các nhóm vấn đề: phòng chống tham nhũng; giám sát hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; bất cập trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế; giá cả tiêu dùng tăng cao; lương và thu nhập của công chức, người lao động; tệ nạn phát sinh, tội phạm lộng hành...
Cử tri Nguyễn Thị Bạch Tuyết bày tỏ mong muốn Đảng, Nhà nước thực hiện công tác phòng chống tham nhũng mạnh mẽ hơn nữa, đồng thời cũng chất vấn các đại biểu về món nợ 1,35 triệu tỷ đồng của các tập đoàn Nhà nước, trách nhiệm sẽ thuộc về ai và khắc phục như thế nào.
Đồng tình với ý kiến của cử tri Bạch Tuyết, các cử tri Trần Ngọc Oánh (phường 6), Nguyễn Vinh Ngọc, Lê Phan Thị Khánh Vân, Nguyễn An Tuyên (phường 9) cho rằng Quốc hội cần tăng cường giám sát, không để xảy ra tình trạng oan sai trong hoạt động tố tụng, tăng cường chỉ đạo với một số lĩnh vực như điện, thủy điện, bảo hiểm y tế, trấn áp tội phạm.
Liên quan đến giải pháp phòng chống tham nhũng, đại biểu Trần Du Lịch cho biết sẽ có cơ chế minh bạch và quy trách nhiệm rõ ràng để phòng chống tham nhũng thông qua việc Quốc hội bổ sung những chế định về luật.
Đại biểu Trần Du Lịch khẳng định cùng với triển khai Nghị quyết Trung ương 4, với việc luật hóa rõ ràng, quy định trách nhiệm cụ thể, công tác phòng chống tham nhũng sẽ được làm từ gốc, không phải chạy theo xử lý phần ngọn.
Về vấn đề tăng giá, đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh Quốc hội đã yêu cầu ngành điện minh bạch toàn bộ chi phí, không có chuyện xây biệt thự và tính vào giá điện như dư luận quan ngại. Nhà nước sắp ban hành đạo luật quản lý vốn kinh doanh Nhà nước trong các tập đoàn, tổng công ty. Thời gian tới, việc quản lý tập đoàn, tổng công ty sẽ thu hẹp, không dàn trải, tập trung vào phục vụ mục tiêu kinh tế-xã hội, các nhiệm vụ công.
Cũng đề cập về công tác phòng chống tham nhũng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết điều quan trọng là phải làm tốt Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI. Thời gian qua, Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương đã kiện toàn, bắt đầu hoạt động mạnh mẽ, thúc đẩy việc xử lý, giải quyết các vụ tồn đọng, kết hợp với tích cực kiểm tra, phát hiện.
Trung ương đã tổ chức 8 đoàn kiểm tra, phối hợp với cơ quan chức năng phòng chống tham nhũng tại các địa phương phát hiện 60 vụ tham nhũng, tiếp tục điều tra xử lý. Tuy nhiên, số lượng vụ việc chưa nhiều nên trong giai đoạn tới sẽ phải làm kiên quyết hơn.
Chủ tịch nước mong rằng cử tri theo dõi, tiếp tục phát huy quyền chất vấn để mọi việc phải công khai, minh bạch. Chủ tịch nước nhấn mạnh những chỗ úp mở, không rõ ràng chính là nơi để chứa chấp tham nhũng, tiêu cực. Những vụ xét xử tiếp theo phải nghiêm minh, đúng pháp luật.
Về vấn đề oan sai trong tố tụng, Chủ tịch nước cho rằng tình trạng án oan như cử tri chất vấn là có, tại Quốc hội cũng đã phê phán nhưng phải hoan nghênh các cơ quan tư pháp đã dũng cảm, không sợ khuyết điểm, đưa ra xét xử lại, góp phần khôi phục niềm tin trong nhân dân.
Chủ tịch nước nhấn mạnh chống oan sai, nhưng cũng phải xem xét không để lọt tội, cá nhân và cơ quan làm sai sẽ bị xử lý./.