Chủ tịch Quốc hội tiếp xúc cử tri của tỉnh Hà Tĩnh

Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh những ý kiến thẳng thắn của các cử tri, các thầy cô giáo về những bất cập, hạn chế trong dạy và học.
Nhằm thu thập ý kiến, nắm bắt nguyện vọng của cử tri trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, trong hai ngày 2 và 3/5, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh đã tiếp xúc cử tri theo chuyên đề tại huyện Đức Thọ và thành phố Hà Tĩnh về lĩnh vực giáo dục ở bậc phổ thông và giáo dục dạy nghề.

Lắng nghe ý kiến của đại diện cử tri là các thầy cô giáo tại các trường phổ thông huyện Đức Thọ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ công tác giáo dục, đào tạo là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, là quốc sách xây dựng và phát triển đất nước của Đảng, Nhà nước.

Sau nhiều năm đổi mới, đất nước đang hướng tới giai đoạn phát triển mạnh, tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập sâu rộng trên mọi lĩnh vực và tích cực xây dựng nông thôn mới. Để đạt được mục tiêu này, giáo dục, đào tạo là giải pháp mang tính quyết định, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Vui mừng trước thành tích Hà Tĩnh đứng trong tốp đầu cả nước về giáo dục phổ thông trong điều kiện là địa phương nghèo, còn nhiều khó khăn, Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh những ý kiến thẳng thắn của các cử tri, các thầy cô giáo về những bất cập, hạn chế trong dạy và học tại địa phương và trên địa bàn cả nước.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng khẳng định Quốc hội sẽ xem xét, đánh giá kỹ những tồn tại này để từng bước có giải pháp khắc phục, giải quyết.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh tiếp tục thu thập kiến nghị, đề xuất của cử tri, tổng hợp thêm nhiều ý kiến hơn nữa góp phần vào việc sửa đổi pháp luật về giáo dục một cách toàn diện, đầy đủ hơn trên các phương diện của công tác giáo dục.

Thăm cơ sở đào tạo, gặp gỡ các thầy cô giáo tại trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh và tiếp xúc với các cử tri công tác trong lĩnh vực giáo dục dạy nghề của tỉnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh trong giai đoạn phát triển mới, đất nước đang có nhu cầu rất lớn về việc thu hút nguồn nhân lực. Tuy nhiên, thực tế những năm vừa qua, công tác đào tạo nghề chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội. Trách nhiệm đặt ra đối với ngành giáo dục cả nước là hết sức quan trọng nhưng cũng đầy vinh quang, đào tạo những thế hệ lao động đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng lưu ý, là địa phương đang định hướng phát triển mạnh về công nghiệp, hình thành khu kinh tế, xây dựng nông thôn mới, Hà Tĩnh đang có nhu cầu lớn về lao động mọi ngành nghề. Căn cứ vào tình hình thực tế, nhiệm vụ đào tạo nghề của tỉnh cần hướng đến những yêu cầu cụ thể, đặc biệt là việc đào tạo lao động phục vụ Khu kinh tế Vũng Áng và Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Trân trọng, đánh giá cao những đề xuất, kiến nghị của đông đảo cử tri, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị đoàn đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh tiếp tục tổng hợp, ghi nhận các ý kiến đóng góp, tổng hợp, đánh giá riêng về lĩnh vực đào tạo nghề, từ đó đặt ra các giải pháp, thực hiện bằng được mục tiêu đặt ra.

Tỉnh cần lưu ý mở rộng mô hình đào tạo, đa dạng hóa phương pháp giảng dạy, đổi mới giáo trình, chương trình, tránh tình trạng lạc hậu trong đào tạo. Việc đầu tư dạy nghề cũng phải có trọng tâm, trọng điểm, mô hình đào tạo theo hướng tự chủ, năng động, tránh dàn trải, cào bằng.

Tâm huyết với sự nghiệp giáo dục của đất nước, các thầy cô giáo tại huyện Đức Thọ đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm tháo gỡ những tồn tại, bất cập trong ngành giáo dục nói chung, ngành giáo dục của huyện và tỉnh nói riêng.

Các ý kiến đề nghị bổ sung chế độ phụ cấp đối với cán bộ không trực tiếp làm công tác giảng dạy; tạo cơ chế ưu đãi để khuyến khích các cơ sở giáo dục ngoài công lập; hạn chế việc thay đổi sách giáo khoa gây tốn kém, lãng phí; nâng cao chất lượng giáo dục sư phạm; điều chỉnh, sửa đổi quy định mỗi xã có một trường tiểu học ở trung tâm vì không phù hợp với tình hình thực tế; giảm tải chương trình, nội dung đào tạo cho học sinh tránh tình trạng học nhiều, nhưng kiến thức không chuyên sâu.

Nêu bật những hạn chế, tồn tại trong chính sách đào tạo nghề, cử tri Hà Tĩnh đề nghị Nhà nước cần có chính sách cụ thể đối với doanh nghiệp để đầu tư cho đào tạo nghề; bổ sung kinh phí phù hợp để đảm bảo đủ điều kiện vật chất cho các cơ sở dạy nghề thực hiện đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp; tiếp tục chuyển giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao cho nhà trường. Nhà nước cũng cần có chính sách cho đầu tư hoặc huy động nguồn lực xã hội hóa mạnh mẽ hơn nữa để phát triển mạng lưới đào tạo nghề.../.

Quang Vũ (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục