Chủ tịch VCCI: Bắt đầu giai đoạn mới của công cuộc cải cách

Những thành tựu kinh tế nổi bật năm 2018 là dự cảm tốt cho năm 2019 và cũng là những chỉ báo quan trọng cho thấy niềm tin nơi cộng đồng kinh doanh đã được nâng lên.
Chủ tịch VCCI: Bắt đầu giai đoạn mới của công cuộc cải cách ảnh 1Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc. (Ảnh: TTXVN)

Nhìn lại năm 2018, sau những nỗ lực của Chính phủ và các bộ ngành, 50% các điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành đã được đơn giản hóa hoặc dỡ bỏ, nhằm giải phóng doanh nghiệp khỏi hàng nghìn thủ tục và chi phí không cần thiết; góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của của doanh nghiệp. Quan trọng hơn là đã khơi gợi lại niềm tin cho giới kinh doanh.

Năm 2019, được coi là năm bản lề của giai đoạn nước rút thực hiện Nghị quyết 5 năm về phát triển kinh tế xã hội, giai đoạn 2016-2020.

Ngoài những điểm sáng đã đạt được, bức tranh về pháp luật kinh doanh 2018 cũng còn nhiều “điểm mờ” thể hiện tiến trình cải cách ở nhiều lĩnh vực vẫn chậm và chưa thực chất. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đã có cuộc trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về vấn đề này và gửi gắm nhiều khuyến nghị cải cách chính sách nhằm tạo động lực thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển.

- Với mục tiêu tạo thuận lợi thương mại, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam và nâng cao năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ và nhiều bộ ngành đã thể hiện quyết tâm đổi mới, cải cách thể chế với những kết quả thu được hết sức khả quan, ông nghĩ sao về điều này?

Ông Vũ Tiến Lộc: Tôi thực sự ấn tượng và ghi nhận những thành quả cải cách thể chế trong năm qua. Những thành tựu kinh tế nổi bật năm 2018 là dự cảm tốt cho năm 2019 và cũng là những chỉ báo quan trọng cho thấy niềm tin nơi cộng đồng kinh doanh đã được nâng lên. Có lẽ, một giai đoạn mới của công cuộc cải cách đã bắt đầu, với sự cộng hưởng của việc đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, cải cách thể chế, nỗ lực hội nhập và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ trong kỷ nguyên số...

Những điểm sáng đáng kể là mức tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 7,08% - mức cao nhất trong vòng 10 năm qua; cán cân thương mại tiếp tục thặng dư; xuất siêu lập kỷ lục (hơn 6,89 tỷ USD) - cao nhất trong 10 năm qua; hoàn thành vượt mức 12/12 chỉ tiêu kinh tế-xã hội do Quốc hội đề ra; 132.000 doanh nghiệp được thành lập mới; lạm phát được kiểm soát dưới mức 4% trong ba năm liên tiếp... Tuy nhiên, vẫn còn những điểm mờ về cải cách chính sách khiến chúng tôi hết sức băn khoăn và cho rằng cần thêm nỗ lực thay đổi.

Ví dụ như, chúng ta vẫn đang dùng tư duy cũ để quản lý những mô hình kinh doanh mới. Kinh doanh thông minh nhưng quản lý Nhà nước vẫn thủ công. Tư duy quản lý của các bộ ngành vẫn còn nhiều vấn đề. Các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân vẫn thiên về các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ mà "ngập ngừng" trong việc giải quyết những vấn đề cốt lõi về thể chế như quyền tài sản đối với đất đai, bảo hộ sở hữu trí tuệ, chống gian lận, hàng giả hàng nhái, bảo đảm thực thi hợp đồng, tăng cường sự minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý và tôn trọng quyền tự quyết của doanh nghiệp...

Thêm vào đó là sự chồng chéo, thiếu nhất quán của hệ thống pháp luật, dễ đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó. Vẫn tồn tại tình trạng mỗi bộ, ngành một luật. Chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhiều khi “chết đứng như Từ Hải.” Thực sự, đích đến của một môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi vẫn còn xa.

Do đó, theo tôi, cần thiết phải tiến hành tổng rà xét các quy định pháp luật về kinh doanh để có thể ban hành các văn bản một luật sửa nhiều luật, để tạo sự nhất quán trong hệ thống pháp luật về kinh doanh. Chúng tôi tha thiết đề nghị Quốc hội, Chính phủ ủng hộ giải pháp này.

[Tổ tư vấn đưa ra 3 kịch bản dự báo kinh tế của năm 2019]

- Vậy ông đánh giá như thế nào về tính thực chất của các hoạt động cải cách vừa qua?

Ông Vũ Tiến Lộc: Đây là câu hỏi đặt ra khi nhìn vào các hoạt động rà soát về điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành. Mặc dù có những động thái tích cực từ phía cơ quan nhà nước, nhưng chất lượng và hiệu quả của các hoạt động này vẫn đưa đến nhiều băn khoăn từ phía cộng đồng doanh nghiệp.

Ví dụ, về cắt giảm điều kiện kinh doanh, dù tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa khá cao, trên 50% nhưng chúng ta vẫn thấy không ít tính hình thức, đối phó trong đó. Cụ thể, có nhiều đề xuất chỉ mang tính sửa sang câu chữ; nhiều điều kiện kinh doanh vướng nhưng vẫn chưa được xem xét để bãi bỏ. Trong những văn bản được ban hành vào năm 2018, vẫn có rất nhiều quy định về thủ tục hành chính bất cập, không có tính cải cách thiếu minh bạch, thời gian thủ tục kéo dài, phương thức thực hiện vẫn rất truyền thống...

Hay như việc kết nối thủ tục trên Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia cũng còn chậm. Tính đến tháng 9/2018 mới chỉ có 68 thủ tục có thể thực hiện được và dự kiến, đến năm 2020 sẽ có 284 thủ tục thực hiện được qua Cổng.

Việc mở cửa cho tư nhân tham gia vào hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng chưa được thực hiện một cách đồng bộ giữa các ngành. Nhà nước vẫn giữ độc quyền kiểm tra đối với một số loại sản phẩm hàng hóa, mà có thể trao quyền cho tư nhân thực hiện được. Ngay cả khi đã chỉ định cho tư nhân tham gia vào hoạt động này thì cơ chế chỉ định vẫn còn nhiều vấn đề như chưa tạo ra cơ chế bình đẳng, việc chỉ định dễ tạo ra cơ chế độc quyền cho một số doanh nghiệp... Đối với cá nhân tôi thì vấn đề lớn vẫn nằm ở chỗ tư duy quản lý còn rất nhiều điều đáng quan ngại.

- Với những tâm tư này, chứng tỏ, cộng đồng doanh nghiệp còn kỳ vọng rất nhiều và mong đợi những nỗ lực cải cách thực chất và hiệu quả hơn nữa từ Chính phủ và các bộ, ngành phải không, thưa ông?

Ông Vũ Tiến Lộc: Hẳn nhiên là vậy! Mặc dù năm 2018, cộng đồng kinh doanh đánh giá rất cao những nỗ lực và sự tích cực cải cách thể chế nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, còn nhiều dư địa để chúng ta có thể làm tốt hơn thế với những chính sách hiện tại. Đặc biệt, là về tư duy quản lý đối với những phương thức kinh doanh mới.

Cộng đồng doanh nghiệp đang đặt nhiều kỳ vọng về các chính sách mới thúc đẩy phát triển kinh tế. Việc dỡ bỏ tiếp tục các rào cản về môi trường kinh doanh phi lý. Các hoạt động cải cách về điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính cũng cần tiếp tục được thúc đẩy một cách thực chất hơn.

Để làm được những điều này, tôi đề nghị cần sớm có tiêu chí thống nhất về tiêu chuẩn của điều kiện kinh doanh để bảo đảm thực thi có hiệu quả và nhất quán. Nên thành lập trung tâm một cửa liên thông ở cấp bộ nhằm thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính; đồng thời, tăng cường cơ chế giám sát, theo dõi, đánh giá cán bộ tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp để tạo áp lực nâng cao trách nhiệm và tính chuyên nghiệp của họ. Cùng với đó, cần giao nhiệm vụ cho cơ quan thanh tra tỉnh làm đầu mối điều phối các hoạt động thanh, kiểm tra doanh nghiệp trong tỉnh, kể cả các cuộc thanh, kiểm tra của các bộ ngành trung ương. Việc tổ chức đối thoại chính quyền và doanh nghiệp nên được giao cho các hiệp hội chuẩn bị về mặt nội dung cũng như mời doanh nghiệp tham gia chứ không nên để cơ quan chính quyền trực tiếp làm và cũng cần có tổ chức độc lập khách quan giám sát quá trình giải quyết và công khai kết quả giải quyết vướng mắc từ người dân và doanh nghiệp.

Liên quan tới việc minh bạch thông tin, theo tôi, các bộ, ngành và địa phương cần tăng cường công khai thông tin trên website cơ quan chính quyền; đặc biệt là đăng tải đầy đủ các thông tin về quy hoạch, kế hoạch phát triển, các dự án đầu tư công, đấu thầu, các dự án kêu gọi đầu tư, các dự án đối tác công tư... Những thông tin khác về phản hồi, đánh giá, phản ánh vướng mắc kiến nghị, khiếu nại của doanh nghiệp cũng cần được chú ý đăng tải. Danh sách các đối tượng bị thanh, kiểm tra theo kế hoạch cũng cần được công bố công khai...

- Trân trọng cảm ơn ông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục