Chú trọng nguồn nhân lực cho chuyên ngành khoa học lý luận chính trị

Ngày 22/4, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện Quyết định của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Học viện.
Chú trọng nguồn nhân lực cho chuyên ngành khoa học lý luận chính trị ảnh 1Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu khai mạc. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Ngày 22/4, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện Quyết định số 145-QĐ/TW ngày 8/8/2018 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Học viện.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu tại các trường chính trị trực thuộc Học viện và 25 trường chính trị tại các địa phương, bộ, ngành trên cả nước.

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh dự, chủ trì hội nghị.

Xuất phát từ điều kiện thực tiễn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ngày 8/8/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 145-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Theo Quyết định, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là cơ quan trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị-xã hội.

Học viện là trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, nghiên cứu khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý phục vụ giảng dạy, học tập, góp phần cung cấp luận cứ khoa học trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Sau 2 năm rưỡi thực hiện Quyết định số 145-QĐ/TW, Học viện đã tiến hành đổi mới mạnh mẽ các nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng; đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, chú trọng bồi dưỡng cập nhật kiến thức, bồi dưỡng theo chức danh.

[Nâng cao chất lượng công tác đào tạo cho giảng viên lý luận chính trị]

Các chuyên đề, bài giảng được bổ sung kịp thời các nội dung về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; thường xuyên cập nhật những chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước và các vấn đề thời sự trong nước, quốc tế có ý nghĩa đối với sự phát triển của đất nước.

Nội dung chương trình các lớp bồi dưỡng chức danh được xây dựng một cách khoa học, phù hợp với điều kiện, tình hình của từng lớp, phát huy được trí tuệ tổng hợp của các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài Học viện. Quy mô đào tạo, bồi dưỡng được điều chỉnh theo hướng đa dạng hóa các loại hình đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị, điều kiện thực tiễn của Học viện.

Phương pháp dạy-học tiếp tục được đổi mới theo hướng tăng cường tương tác, phát huy tính chủ động sáng tạo của người học; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động học tập, rèn luyện của học viên.

Đối với công tác nghiên cứu khoa học, Học viện đã tổ chức nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu những vấn đề cơ bản về chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các báo cáo chắt lọc, kiến nghị thể hiện tiếng nói, quan điểm và đóng góp của Học viện, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, hoan nghênh, đánh giá cao, góp phần cung cấp những luận cứ khoa học cho Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách kịp thời, sát hợp với tình hình diễn biến của thực tiễn đất nước.

Từ năm 2018 đến nay, Học viện đã tích cực, chủ động chắt lọc kết quả nghiên cứu và xây dựng hơn 40 báo cáo kiến nghị chính sách gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và các Tiểu ban soạn thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; tổ chức xây dựng hàng chục bản báo cáo kiến nghị cho ban, bộ, ngành, địa phương...

Đối với công tác các trường chính trị, trên cơ sở vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được Bộ Chính trị giao trong Quyết định số 145-QĐ/TW, Học viện đã tiến hành đổi mới đồng bộ công tác xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng theo phương châm “cơ bản, hệ thống, thực tiễn, hiện đại.”

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, các ý kiến đều khẳng định tính đúng đắn, phù hợp, cần thiết của Quyết định số 145/QĐ-TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tạo điều kiện thuận lợi cho Học viện phát triển.

Chú trọng nguồn nhân lực cho chuyên ngành khoa học lý luận chính trị ảnh 2Quang cảnh trực tuyến tại các điểm cầu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Một số đại biểu đề nghị, để đảm bảo chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, đáp ứng yêu cầu công tác, đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng được nhiệm vụ chính trị, trong điều kiện không được tăng biên chế chung, Học viện cần có phương án phân bổ biên chế của Trung tâm Học viện và các Học viện trực thuộc.

Việc xác định vị trí việc làm đã và đang được thực hiện, tuy nhiên vẫn chưa thực sự xác định rõ nội dung công việc, việc làm ở từng vị trí cụ thể, nhất là ở khối các đơn vị chức năng, vì vậy, đề nghị Học viện ban hành hướng dẫn cụ thể; đồng thời cần tiếp tục rà soát trong sắp xếp bộ máy ở một số đơn vị đảm bảo tính thống nhất.

Kết luận Hội nghị, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh Quyết định 145 xác định rõ vị thế, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Học viện; cơ cấu tổ chức hiện nay thể hiện được sắc thái, bản chất, đặc trưng của Học viện-Trường Đảng Trung ương.

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đơn vị trực thuộc Học viện cần thực hiện phương châm “Đoàn kết-Dân chủ-Kỷ cương-Gương mẫu-Sáng tạo-Hiệu quả,” phát huy sức mạnh của toàn hệ thống trong thực hiện Quyết định số 145. Đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, cần xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tới năm 2030 theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong điều kiện mới; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đồng thời, Học viện đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giảng viên trẻ; xây dựng quy định về trách nhiệm, lộ trình cụ thể đào tạo giảng viên trẻ đối với các viện chuyên ngành; phát triển chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ một cách khoa học, chuyên sâu, kịp thời, bám sát đặc thù của Học viện.

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh việc tăng cường luân chuyển, biệt phái, cử đi nghiên cứu thực tế để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tăng cường nhân lực các chuyên ngành khoa học lý luận chính trị, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Việc thực hiện điều chỉnh biên chế của Trung tâm Học viện và các Học viện trực thuộc cần phù hợp với nhiệm vụ được giao.

Cùng với đó, Học viện triển khai có hiệu quả đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2019-2025 và tầm nhìn đến năm 2030;” xây dựng Đề án "Xây dựng Chiến lược cán bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đến năm 2045."./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục