"Chú trọng thanh tra vào các lĩnh vực quan trọng"

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trong năm 2013, ngành Thanh tra cần chủ động, chú trọng thanh tra vào các lĩnh vực quan trọng.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu năm 2013, ngành Thanh tra cần chủ động, chú trọng thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng như tài chính, ngân sách, ngân hàng, chứng khoán, quản lý tài sản công, xuất nhập khẩu, quản lý thị trường vàng.

Ngày 4/1, tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thanh tra năm 2012, triển khai nhiệm vụ năm 2013 ở Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ các kết luận, kiến nghị thanh tra phải xử lý khách quan, chính xác, kịp thời.

"Kiến nghị, kết luận thanh tra phải công khai minh bạch. Không có cán bộ nào, nhất là cấp trên được can thiệp vào kết luận thanh tra để gỡ tội cho cấp dưới" - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý ngành thanh tra tiếp tục đề cao trách nhiệm trong tiếp công dân, tăng cường đối thoại, hòa giải; quyết liệt giải quyết dứt điểm 528 vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài và tiếp tục rà soát, giải quyết các vụ việc còn tồn đọng (đợt 2); kịp thời báo cáo Thủ tướng những điểm nóng khiếu kiện; tập trung vào những vụ việc kéo dài, khiếu kiện đông người; và giải quyết khiếu kiện công khai làm rõ trách nhiệm từ cơ sở.

Đồng thời, ngành Thanh tra tham mưu cho Chính phủ và Thủ trưởng các cơ quan nhà nước triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, bộ máy của cơ quan thanh tra; tăng cường kiểm tra, giám sát nội bộ không để cán bộ vi phạm, tiêu cực trong thi hành công vụ, tiếp tục thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng ngành thanh tra xứng đáng với lời dạy của Bác: "Thanh tra là tai, mắt của trên, là bạn của dưới".

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo, thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng; kịp thời giải quyết những vướng mắc, đề xuất của cơ quan thanh tra, tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan thanh tra hoàn thành nhiệm vụ; thường xuyên quan tâm đến đời sống vật chất tinh thần cho cán bộ, công chức, động viên, khen thưởng kịp thời để đội ngũ cán bộ thanh tra yên tâm và phát huy hiệu quả công tác.

Năm 2013, thanh tra các cấp, các ngành sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra theo chương trình, kế hoạch gắn với thanh tra đột xuất, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng. Ngành thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung giải quyết 528 vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài xong trong Quý I/2013; thực hiện tốt công tác tiếp dân, xử lý đơn thư; giải quyết kịp thời trên 85% số vụ việc mới phát sinh; thực hiện quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật trên 80%.

Ngành cũng tập trung triển khai có hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ về phòng, chống tham nhũng; tăng cường thanh tra, phát hiện, xử lý tham nhũng; kiên quyết, kiên trì, quyết tâm thực hiện mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng; tăng cường chỉ đạo, điều hành, xây dựng và hoàn thiện thể chế của ngành Thanh tra...

Chia sẻ những khó khăn, vất vả và biểu dương sự cố gắng, những thành tích của ngành Thanh tra trong năm 2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng ngành Thanh tra đã có sự chủ động, sâu sát hơn trong việc xây dựng kế hoạch cũng như tiến hành thanh tra.

Nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm. Thanh tra Chính phủ đã thanh tra về quản lý, sử dụng vốn các Tập đoàn kinh tế, hoạt động tín dụng của các ngân hàng Nhà nước, việc quản lý nhà nước của các Bộ, quản lý đất đai, dự án đầu tư của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố.

Kết luận thanh tra phát hiện được nhiều vi phạm trên các lĩnh vực được Chính phủ và dư luận đồng tình, phát huy được tác dụng, góp phần chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả quản lý, phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng và hoàn thiện thể chế trên nhiều lĩnh vực, được Chính phủ, dư luận xã hội đồng tình, phát huy được tác dụng, góp phần chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả quản lý, phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, hoàn thiện thể chế trên nhiều lĩnh vực.

Công tác xử lý sau thanh tra, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết quả thanh tra được quan tâm thực hiện. Ngành thanh tra đã phát huy được vai trò cốt cán trong việc tham mưu, chủ trì công tác giải quyết công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, rà soát các vụ việc tồn đọng kéo dài; thực hiện tốt việc tham mưu trong công tác phòng, chống tham nhũng; nội bộ cơ bản đoàn kết, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao...

Năm 2012, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra đã đạt nhiều kết quả trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, phát hiện nhiều vi phạm và xử lý sau thanh tra đạt kết quả cao hơn; công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo được tập trung quyết liệt và nâng cao trách nhiệm nên đã giải quyết nhiều vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài; công tác phòng, chống tham nhũng được tăng cường.

Toàn ngành đã triển khai 9.685 cuộc thanh tra hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, quản lý kinh tế xã hội và 168.702 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành của 527.544 tổ chức, cá nhân.

Qua thanh tra đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 29.860 tỷ đồng, 1.533 ha đất; xử phạt vi phạm hành chính 13.085 tỷ đồng (đã thu 15.346 tỷ đồng, đạt 35,73%; 1.275 ha đất, đạt 83,17%); xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý 31.130 tỷ đồng (đã xử lý 21.549 tỷ đồng , đạt 69,22%); kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 1.033 tập thể, 2.212 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 59 vụ việc, 104 người./.

Phúc Hằng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục