Ông Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Đường bộ, Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội bày tỏ quan điểm khi trao đổi với phóng viên Vietnam+ xung quanh vấn đề sắp đóng quỹ bảo trì đường bộ và các loại phí giao thông đang được nghiên cứu.
- Vừa rồi Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định về Quỹ bảo trì đường bộ, trên phương diện cá nhân, ông có đánh giá gì về Quỹ này?
Ông Nguyễn Quang Toản: Quỹ bảo trì nhằm huy động một lượng vốn nào đó để giữ lấy tài sản mà xã hội có thể dùng được lâu dài, khi ngân sách, vốn ODA không đáp ứng được nữa thì huy động từ xã hội. Ai dùng người đó sẽ có trách nhiệm đóng góp để sửa chữa, bảo vệ nhằm nâng cao chất lượng đường.
Quỹ này là cần vì nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng tăng nhanh, trong khi chất lượng công trình giao thông giảm sút theo thời gian và mức độ sử dụng. Chi phí để bảo dưỡng rất lớn, có thể tính khoảng 5-10% tổng mức đầu tư một công trình.
Mỗi dự án đầu tư ra 100 tỷ đồng, bình quân mỗi năm mất khoảng 10 tỷ đồng để quản lý, duy trì, sửa chữa theo cấp độ khác nhau thì mới bảo toàn được vốn đầu tư.
Tuy nhiên, nhiều công trình đường bộ cần sửa chữa, bảo trì có khả năng cấp vốn và nhu cầu thực chênh lệch nhau rất lớn. Chính điều đó đã dẫn tới một loạt đường sẽ phải xuống cấp, không được trông đến. Khoảng 5 năm đường xuống cấp trầm trọng và hỏng cục bộ, lúc đấy sẽ phải đầu tư mới. Quy luật này không phải nước ta mới bị mà hầu hết nước nghèo đều vấp phải đó là vay vốn để làm đường, nhưng không giữ được đường, khi hỏng lại vay vốn để làm đường.
Với yêu cầu như thế, chúng ta rất quen với việc ngân sách bỏ ra, cũng như đầu tư đường trước đây bằng vốn ngân sách, làm xong rồi thì cứ thế mà dùng. Đường có hỏng thì bỏ tiền ngân sách chữa, trước sau vẫn là tiền thuế của dân. Không ai nghĩ đến việc nộp tiền để sửa đường.
- Theo Nghị định về Quỹ bảo trì đường bộ, Quỹ sẽ được thu qua đầu phương tiện, nhiều người lo ngại như vậy sẽ không đảm bảo công bằng. Ông nghĩ như thế nào?
Ông Nguyễn Quang Toản: Ở đây có 2 cái bất hợp lý, thứ nhất xe chạy nhiều và chạy ít vẫn phải trả phí như nhau, như xe gia đình chỉ chạy cuối tuần, còn xe taxi, xe kinh doanh vận tải chạy suốt ngày; Thứ hai, xe phá đường nhiều vẫn đóng như xe phá đường ít.
Thu qua đầu phương tiện đã quyết rồi, nói ưu viêt so với biện pháp khác thì không, nhưng có thể chấp nhận được. Không có cách thu phí nào xác định công bằng tuyệt đối, nếu thống nhất với nhau nên mỗi người hy sinh một ít.
- Nhiều người đang rất lo lắng với thực trạng “phí đè phí” khi mà các loại phí khác đã và đang được trình Chính phủ. Vậy, ông có suy nghĩ gì?
Ông Nguyễn Quang Toản: Tại sao nước ta phải chia nhiều loại phí, bản chất của việc chia nhiều ra để mục đích gì? Chúng ta phải làm rõ được việc này.
Theo tôi, việc chia nhiều loại phí là sự thiếu thốn chung của nên kinh tế, cộng với trình độ quản lý của chúng ta chưa cao. Nếu gộp tất cả phí vào làm một thì cả xã hội có thể bị sốc.
Như các nước giàu họ tập trung thu tất cả qua giá xăng dầu, nhưng với người dân của họ đã quen như thế. Còn ở ta, đóng góp mà xã hội chưa quen thì không nên tập trung tất cả vào làm một.
Chúng ta chưa làm được việc tập trung tất cả các loại phí vào làm một, rồi sau đó điều phối cho các hoạt động khác nhau. Cá nhân tôi cho rằng, các lại phí cùng một tính chất nên gộp vào cùng với nhau, như phí nào chi cho bảo trì thì gộp lại. Những thuế, phí như môi trường, thuế nhập khẩu, giá trị gia tăng thì minh bạch ra.
Dân ta chưa quen cứ sử dụng dịch vụ là mất tiền. Chúng ta nâng quá cao chất lượng dịch vụ của mình, để cho nền kinh tế không chịu được, người sử dụng dịch vụ không có khả năng chi trả.
Không có một nước nào thu phí giao thông mà đủ trang trải cho chi phí làm đường. Trong điều kiện giao thông nước ta hiện nay thì nhà nước phải trợ cấp bằng cách này hay cách khác khoảng 70% đồng thời tạo mọi điều kiện để chủ đầu tư dự án có thể hoàn vốn.
- Sắp tới sẽ có hàng loạt các loại phí đổ lên đầu phương tiện sẽ được thực hiện. Ông có băn khoăn và lo ngại gì về điều đó?
Ông Nguyễn Quang Toản: Tôi băn khoăn nhất vẫn là làm sao để đảm bảo công bằng. Đối với người nghèo, với người dùng phương tiện không phải để đi lại, mà là phương tiện sản xuất, thu nhập lại rất tối thiểu, thì nhà nước nên trợ cấp cho họ.
Có người suốt đời không được bước lên đường nhựa vẫn phải đóng góp cho việc làm đường nhựa, như đồng bào miền núi, nông dân, hộ nghèo... Có khi họ có một phương tiện để đi lại mà cũng thu thì không nên, nếu có thu chắc gì đã thu được.
Đứng về mặt tổng thể, Nhà nước phải nghĩ biện pháp cân bằng, người nào có thể được trợ cấp, người nào phải thu nhiều hơn, vùng khó khăn không phải nộp…
- Có ý kiến cho rằng “tăng các loại phí giao thông đường bộ vì hiện nay ngân sách đầu tư cho giao thông đang giảm” ông có suy nghĩ gì về đánh giá này?
Ông Nguyễn Quang Toản: Ngân sách dành cho giao thông đang giảm nghiêm trọng, trong đó giảm lớn nhất là vốn ODA, sau đấy là vốn trái phiếu, rồi tỷ lệ ngân sách cho cơ sở hạ tầng nói chung đều giảm. Hiện nay ngân sách nhà nước chỉ còn đáp ứng khoảng 40% nhu cầu thực tế đầu tư hạ tầng giao thông.
Hiện nay, các công trình đang xây dựng đang dùng vốn ODA của Nhật Bản, còn các công trình dùng vốn ngân sách đang phải hoãn, dừng rất nhiều.
Vốn đầu tư cho giao thông giảm trong khi nhu cầu chi phí giao thông không ngừng tăng. Vì vậy, giải quyết nguồn vốn cần phải huy động mọi đóng góp của xã hội để đầu tư hiệu quả. Đây chính là lối thoát duy nhất của các dự án giao thông.
- Xin cảm ơn ông./.