Chưa có ưu đãi thuế môi trường cho xăng sinh học

Hiện nay xăng sinh học chưa có những ưu đãi về thuế môi trường, khiến cho khả năng tiêu thụ loại xăng này gặp nhiều khó khăn.
Nhiên liệu sinh học trở thành xu hướng phát triển tất yếu khi tình trạng khủng hoảng nhiên liệu đang diễn ra gay gắt cùng với việc ý thức bảo vệ môi trường ngày một tăng.

Việt Nam có tiềm năng lớn để sản xuất nhiên liệu sinh học. Chính vì vậy, năm 2007, Chính phủ phê duyệt đề án 177 với lộ trình đến năm 2015, sản phẩm nhiên liệu sinh học (cụ thể là xăng E5 và dầu B5) đáp ứng được 1% nhu cầu xăng dầu cả nước và sẽ đáp ứng 5% nhu cầu vào năm 2025.

Tuy nhiên, hiện chưa có các văn bản pháp luật quy định riêng cho hệ thống pha chế, tồn trữ và phân phối nên các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xăng E5 nói riêng và xăng sinh học nói chung chưa mạnh dạn mở rộng thị trường.

Theo Luật Thuế môi trường, áp dụng vào đầu năm 2012, xăng dầu nói chung, trừ ethanol E100, là một trong 8 nhóm sản phẩm phải chịu thuế môi trường với mức quy định từ 1.000-4.000 đồng/lít.

Điều cần cân nhắc là việc sản xuất nhiên liệu sinh học chỉ ở giai đoạn khởi đầu, giá thành sản xuất còn cao nên sản phẩm E5, E10 không thể rẻ hơn xăng truyền thống. Thực tế, chưa có các cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất và phân phối xăng sinh học, nay lại không có ưu đãi về thuế môi trường, vô tình khiến cho khả năng tiêu thụ loại xăng này gặp nhiều khó khăn. Trong khi sản phẩm xăng E5 và sắp tới là E10 đã góp phần bảo vệ môi trường, giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính

Từ tháng 8/2010, người dân được khuyến khích sử dụng xăng sinh học E5 thay thế dần cho xăng truyền thống để bảo vệ môi trường. Sau năm tháng bán thử nghiệm, đã có hơn ba triệu lít xăng E5 được tiêu thụ, chiếm khoảng 20% lượng xăng truyền thống A92 trên hệ thống.

Tuy lượng tiêu thụ còn khá ít ỏi nhưng cho thấy, người dân sẵn sàng sử dụng sản phẩm mới để bảo vệ môi trường. Anh Lê Anh Quân (quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: “Chạy xăng E5 cảm giác nhẹ máy hơn, ít khói thải lại rẻ hơn xăng thường. Nhưng cái chính là góp phần bảo vệ môi trường nên tôi sẽ sử dụng E5 thường xuyên. Có điều, điểm bán xăng E5 còn ít quá.”

Anh Hoàng Ngọc Anh (trú tại quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Tôi đã dùng thử xăng E5 và cảm thấy xe chạy ít khói thải và không nặng mùi. Thật nghịch lý khi người tiêu dùng vẫn phải đóng thuế bảo vệ môi trường dù họ chọn loại sản phẩm thân thiện với môi trường.”

Rõ ràng, nếu không có mức giá cạnh tranh, một sản phẩm mới rất khó để người dân lựa chọn dù được quảng bá rộng rãi, huống chi ngân sách quảng bá xăng sinh học vẫn chưa đủ lớn.

Ông Lê Xuân Trình, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất của những đơn vị sản xuất, kinh doanh xăng sinh học là do sản phẩm mới, chưa có quy định ưu đãi về thuế nên giá thành khó cạnh tranh với các sản phẩm truyền thống. Đồng thời, ngân sách xây dựng và phát triển thị trường mới cũng là một khó khăn lớn. Để giải quyết bài toán này, PV Oil đang tìm mọi cách để tiết giảm chi phí trong mọi khâu liên quan. Các đơn vị tham gia sản xuất, phân phối và bán lẻ nhiên liệu sinh học đều mong muốn nhận được những hỗ trợ của Nhà nước để thúc đẩy tiến trình này.”

Việc đánh thuế xăng dầu là hợp lý vì đây là nhóm sản phẩm có chứa các chất độc hại như chì, lưu huỳnh. Nhưng cũng cần xem xét lại việc áp mức thuế này đối với xăng sinh học, sản phẩm được nghiên cứu sản xuất với mục đích bảo vệ môi trường./.

PV (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục