Chưa đến 50% số xuất bản phẩm lưu chiểu được đọc hậu kiểm

Bà Mai Thị Hương, Trưởng phòng Quản lý xuất bản - Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết, tổng số sách, xuất bản phẩm mà đơn vị này đọc hậu kiểm chưa đạt 50% so tổng số sách, ấn phẩm nộp lưu chiểu.
Chưa đến 50% số xuất bản phẩm lưu chiểu được đọc hậu kiểm ảnh 1Bà Mai Thị Hương - Trưởng phòng Quản lý xuất bản - Cục Xuất bản, In và Phát hành (Ảnh: A.N/Vietnam+)

Thời gian vừa qua, những lỗi sai sót trong xuất bản đã làm dấy lên những lo ngại trong việc quản lý, xuất bản sách hiện nay.

Về vấn đề này, trao đổi với báo chí sáng 21/10, bà Mai Thị Hương, Trưởng phòng Quản lý xuất bản - Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) khẳng định, đối với việc kiểm tra nội dung xuất bản phẩm, Cục Xuất bản, In và Phát hành chỉ làm công tác hậu kiểm.

“Điều 18 Luật Xuất bản 2012 quy định rõ, giám đốc, tổng biên tập các nhà xuất bản chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước cơ quan chủ quản về xuất bản phẩm của mình,” bà Hương nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bà Hương cho biết, tổng số sách, xuất bản phẩm mà đơn vị này đọc hậu kiểm chưa đạt 50% so tổng số sách, ấn phẩm nộp lưu chiểu.

Theo bà Hương, mỗi năm, Cục Xuất bản, In và Phát hành tiếp nhận khoảng 28.000-30.000 tên sách nộp lưu chiểu với khoảng 300 triệu bản. Trong khi đó, phòng Quản lý xuất bản chỉ có 10 chuyên viên.

Thế nhưng, trong số 10 chuyên viên này, bốn người chuyên về lưu chiểu dữ liệu. Sáu chuyên viên còn lại phải hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng chế độ chính sách của ngành và làm nhiều công việc khác bên cạnh việc đọc thẩm tra nội dung xuất bản phẩm.

“Mỗi người, mỗi ngày chỉ có thể đọc thẩm định 80-100 trang sách. Cả phòng nếu không làm việc gì, chỉ tập trung sức tối đa vào việc đọc thẩm định (hậu kiểm) thì cả năm cũng chỉ đọc được khoảng 10.000 đầu sách,” bà Hương bày tỏ.

Theo Trưởng phòng Quản lý xuất bản, để tăng cường công tác thẩm định sách, xuất bản phẩm, Cục Xuất bản, In và Phát hành có đội ngũ cộng tác viên (gồm 12 thành viên là chuyên gia, giáo sư, tiến sỹ, giám đốc các nhà xuất bản, những người làm công tác quản lý xuất bản) làm việc 2 buổi/tuần tại cục. Tuy vậy, số lượng sách, xuất bản phẩm qua khâu hậu kiểm vẫn không thể đạt mức 100% số sách, xuất bản phẩm nộp lưu chiểu.

Chưa đến 50% số xuất bản phẩm lưu chiểu được đọc hậu kiểm ảnh 2Cuốn "Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh" của Vũ Chất (Ảnh: A.N/Vietnam+)

Về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong trường hợp để xảy ra các hiện tượng vi phạm (như trường hợp cuốn “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh” - tác giả Vũ Chất có nội dung không chính xác, gây xôn xao dư luận trong thời gian vừa qua), bà Mai Thị Hương một lần nữa nhấn mạnh: “Điều 18 Luật Xuất bản 2012 quy định rõ, giám đốc, tổng biên tập các nhà xuất bản chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước cơ quan chủ quản về xuất bản phẩm của mình. Trong năm 2013, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã xử lý 244 xuất bản phẩm vi phạm với nhiều hình thức, mức độ khác nhau. Trong chín tháng đầu năm 2014, cục đã xử lý 79 xuất bản phẩm vi phạm.”

Trước đó, vào ngày 17/10, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã có công văn số 4765/CXBIPH gửi các nhà xuất bản. Tại công văn, Cục Xuất bản, In và Phát hành yêu cầu các nhà xuất bản chủ động tiến hành xem xét lại những cuốn từ điển của nhà xuất bản đã phát hành và rà soát toàn bộ bản thảo đang trong quá trình xuất bản. Nếu có những vấn đề cần điều chỉnh, nhà xuất bản phải có biện pháp xử lý kịp thời./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục