Chưa đến Tết đã “nóng” nạn “xe dù” tại Hà Nội

Gần đến Tết Nguyên đán, nạn “xe dù” lại bùng phát xung quanh cổng các bến xe gây mất trật tự, ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
Đến hẹn lại lên, gần đến Tết Nguyên đán, “xe dù” lại bùng phát xung quanh cổng các bến xe tại Hà Nội.

Tình trạng xe dù tranh giành, chèo kéo, vòng vo, dừng, đỗ, trả khách sai quy định, chạy không đúng tuyến... diễn ra suốt thời gian trong ngày không chỉ tạo ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa nhiều xe cùng tuyến chạy, mà còn gây mất trật tự an ninh, ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

Hoạt động ngang nhiên

Xe dù từ 16-30 chỗ dưới mác các loại xe “chất lượng cao”, “tốc hành máy lạnh”, “xe hợp đồng”… để đánh lừa hành khách chạy đường dài tuyến từ Hà Nội đi Thái Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Quảng Ninh… vòng vo đón khách trái phép trước cổng các bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm, Hà Đông, Mỹ Đình… đang bùng phát.

Nhộn nhịp nhất là trên Quốc lộ 1A, đoạn ngã ba giao cắt đường Giải Phóng-Cầu Giẽ-Pháp Vân, đường Phạm Văn Đồng trước cổng bến xe Mỹ Đình, đường Nguyễn Trãi trước cổng bến xe Hà Đông, đường Nguyễn Văn Cừ trước cổng bến xe Gia Lâm.

Xe dù thường chạy vòng vo mấy giờ liền để bắt khách và dừng đỗ trái phép tại các “bến cóc” được ngụy trang bằng những quán nước ven đường.

Chị Thu Thủy, quê Thái Bình, người thường xuyên đi tuyến Hà Nội-Thái Bình chờ xe trước cổng bến xe Giáp Bát cho biết, chị cũng đã từng là “nạn nhân” của xe dù. Có chuyến, từ lúc ngồi trên xe, phải đến hơn nửa tiếng sau khi xe chuyển bánh, xe vẫn ở trong Hà Nội.

Bức xúc, yêu cầu lái xe dừng xe để đi xe khác, liền bị lơ xe nói những lời khó nghe, thậm chí vứt hành lý xuống xe như vứt rác.

Nếu làm phép cộng, mỗi giờ phải có đến hàng chục xe dù hoạt động. Hễ thấy có người đứng trên vỉa hè mang theo ít hành lý là các xe đột ngột phanh gấp, cửa chính xe bật mở, phụ xe nhảy xuống đường chèo kéo khách, bất chấp các phương tiện khác đang lưu thông trên đường. Nhiều xe còn ngang nhiên đỗ dưới lòng đường đối diện cổng các bến xe để chờ khách, gây ùn tắc giao thông.

Các chiến sĩ cảnh sát giao thông chốt trực làm nhiệm vụ gần các bến xe đều cho biết, xe dù càng gần Tết càng hoạt động táo tợn, nhưng việc xử lý gặp không ít khó khăn, do không thể bắt quả tang để lập biên bản xử lý. Chỉ cần thấy bóng dáng cảnh sát giao thông là các lái xe cho xe chạy ngay.

Theo thông lệ, nhu cầu đi lại của người dân trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán thường tăng lên đột biến. Đây cũng là thời điểm nạn xe dù, bến cóc hoạt động mạnh nhất. Phần vì tâm lý của một số người ngại vào bến xe mua vé, phần vì thói quen tiện đâu lên đó của hành khách nên nạn xe dù vẫn có đất để hoạt động.

Xử lý kiên quyết trong đợt cao điểm cuối năm

Thanh tra giao thông vận tải Hà Nội thừa nhận, tình trạng xe dù đang có chiều hướng gia tăng. Sơ bộ, trong tháng 11, các lực lượng chức năng đã xử lý hơn 300 trường hợp xe dù, tuy nhiên số trường hợp vi phạm còn lớn hơn nhiều.

Các xe dù vi phạm phổ biến vẫn là dừng, đỗ, đón, trả khách sai quy định, không có phù hiệu xe chạy tuyến cố định, phù hiệu hết hạn, chạy không đúng tuyến, chở hàng trong khoang chở khách, chở quá số người quy định, không trao vé cho khách...

Thực tế, mỗi khi có đợt ra quân kiểm tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông, thì hoạt động của xe dù giảm rõ rệt, nhưng khi vắng bóng cơ quan quản lý, đâu lại vào đó.

Chưa hết, báo chí thời gian gần đây đã phản ánh nhiều mặt trái phát sinh do mâu thuẫn làm ăn, cạnh tranh không lành mạnh giữa các xe vận tải hành khách chạy trên cùng tuyến đã dùng “luật rừng” để thanh toán lẫn nhau, gây bức xúc dư luận, điển hình là trên các tuyến từ Hà Nội đi Nam Định, Sơn La, Thanh Hóa, Điện Biên...

Bộ Công an đang tập trung thực hiện đợt cao điểm về tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông từ ngày 1/12/2009-28/2/2010, trong đó chú trọng chuyên đề xử lý các loại xe dù vi phạm pháp luật về an toàn giao thông.

Theo Phó Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông Đường bộ, đường sắt (Công an thành phố Hà Nội) Đào Vịnh Thắng, trong đợt cao điểm này, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tăng cường bố trí quân số 24/24 giờ tại các khu vực, tuyến đường, bến xe để tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý xe dù vi phạm nếu phát hiện.

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội cũng đã có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng quản lý nhà nước về giao thông vận tải ở các địa phương sớm yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách công cộng viết cam kết không vi phạm và giáo dục nhân viên, lái phụ xe không được quá khích, vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, câu chuyện xe dù nếu chỉ dừng lại ở việc thực hiện theo “chiến dịch” sẽ khó giải quyết tình trạng lộn xộn một cách cơ bản, bền vững trong hoàn cảnh giao thông ngày càng phức tạp.

Nên chăng, thành phố và các địa phương cần có cơ chế, giải pháp đồng bộ, cùng vào cuộc phối hợp giải quyết triệt để mới hạn chế được những hệ lụy phát sinh, cũng như điệp khúc “đến hẹn lại lên”./.

(Báo Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục