Đó là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn trong nội dung Công văn số 2748/BC-BNN-TCLN gửi Thủ tướng Chính phủ và các địa phương về vấn đề trồng và phát trển cây mắcca để tránh rủi ro cho người nông dân.
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, do mắcca là cây trồng mới, quá trình khảo nghiệm lại cho kết quả khác nhau. Mặt khác cần xem xét kỹ vấn đề về chế biến, thị trường. Do vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chưa đủ căn cứ khoa học để phê duyệt quy hoạch phát triển cây mắcca; quy trình nhân giống, chăm sóc, công nghệ chế biến đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị các đia phương trước mắt hướng dẫn nông dân trồng mắcca ở những nơi đã khảo nghiệm thành công hoặc có điều kiện tương tự. Không phát triển cây mắcca trên quy mô lớn trong các khu chưa được trồng khảo nghiệm khẳng định hiệu quả.
Cụ thể, tổng diện tích trồng cây mắcca cả nước đến năm 2020 chỉ quy hoạch trong khoảng 10.000ha bao gồm cả trồng tập trung và trồng xen canh. Bên cạnh đó, các địa phương cần phải tăng cường quản lý chất lượng giống, cơ sở sản xuất giống, chỉ cho phép trồng cây mắcca được nhân giống vô tính từ các dòng có năng suất, chất lượng cao đã được công nhận.
Mặt khác, các địa phương cần ngăn ngừa, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cung ứng kinh doanh giống mắcca không đảm bảo chất lượng theo quy định của pháp luật.
Nội dung Công điện cũng nêu rõ, các địa phương cần tiến hành tổ chức đánh giá kết quả khảo nghiệm tại địa phương, xác định cụ thể quy hoạch chi tiết từng vùng khí hậu đối với phát triển cây mắcca, phát triển trên quy mô lớn nhất thiết phải gắn với cơ sở chế biến, đảm bảo tiêu thụ sản phẩm./.
Cây mắcca (có tên khoa học là macadamia) là loại cây thuộc thân gỗ, nhóm quả hạch, hạt có vỏ cứng, nhân dùng trực tiếp làm thực phẩm hoăc chế biến làm bánh kẹo, mỹ phẩm. Với những giá trị này, hạt mắcca được mệnh danh là “Hoàng hậu của các loại hạt” và mang lại thu nhập “tỷ đô” cho người sản xuất.
Hiện nay, ở nước ta mới có một vài công ty, cơ sở chế biến hạt mắcca quy mô nhỏ, nguồn nguyên liệu chủ yếu nhập khẩu. Thị trường tiêu thụ sản phẩm mắcca tại Việt Nam chưa phát triển, giá bình quân từ 130.000-150.000 đồng/kg hạt tươi. Hạt mắcca tươi được thu mua chủ yếu để tạo cây con làm gốc ghép nhân giống.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu khảo nghiệm, đến nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã công nhận được 10 giống mắcca phù hợp để áp dụng trồng, trong đó bao gồm ba giống quốc gia là các dòng OC, 246 và 816; bảy giống tiến bộ kỹ thuật là các dòng Daddow, 842, 849, 741, 800, 900 và 695.