Chưa khẳng định "trân châu polymer" có ở Hà Nội

Ông Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, chưa có căn cứ để khẳng định trân châu nhiễm polymer ở Trung Quốc có ở Hà Nội.
Ngày 13/8, ông Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, chưa có căn cứ để khẳng định trân châu nhiễm polymer ở Trung Quốc có ở Hà Nội.

Theo ông Cường, trước thông tin về việc trân châu  (trong thức uống trà sữa trân châu) ở Trung Quốc có thành phần nhựa (polymer), Thanh tra Sở Y tế đã tự bỏ kinh phí để đi mua mẫu nguyên liệu sản xuất trong nước và nhập của nước ngoài để kiểm định chất tạo bọt, phẩm màu, chất tạo dẻo xem có nằm trong danh mục của Bộ Y tế cho phép không.

Sau khi có kết quả xét nghiệm, nếu có căn cứ vi phạm, Thanh tra Sở Y tế cùng với liên ngành sẽ tiến hành thanh kiểm tra, kiên quyết xử lý các vi phạm, đặc biệt việc sử dụng chất hóa học gây nguy hại cho sức khoẻ người dân. Còn trong trường hợp kết quả xét nghiệm đảm bảo sẽ thông tin đến người dân để tránh hoang mang và ảnh hưởng không tốt đến hoạt động kinh doanh của cơ sở.

Khoảng ngày 23/8, Sở Y tế sẽ thông báo kết quả xét nghiệm các nguyên liệu trà sữa trân châu.

Ngoài việc xét nghiệm tìm polymer, ông Cường cho biết việc kiểm tra, xử lý các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, quá hạn sử dụng... vẫn được tiến hành thường xuyên, nhưng ông cũng thừa nhận việc kiểm tra, thu giữ các loại sữa bột nguồn gốc không rõ ràng trên phố Hàng Buồm không thấm tháp gì so với lượng hàng bán ra.

Trong vai một khách hàng, phóng viên mua một cốc trà sữa trân châu đen tại quán trà số 37 Đinh Tiên Hoàng. Đây là quán trà ra đời thuộc loại sớm ở Hà Nội. Quán có tới trên 20 loại trà sữa trân châu, giá từ 11.000 - 22.000 đồng/cốc. Không phải là ngày nóng nực nhưng mấy nhân viên của quán phục vụ không ngơi tay. Khi được hỏi về thông tin trân châu làm từ polymer, một nhân viên nhanh nhẩu "quán em chỉ dùng trân châu Việt Nam, không nhập trân châu Trung Quốc".

Quán sử dụng sữa bột để pha chế nhưng nhân viên không biết chủ quán nhập ở đâu. Đã từng vài lần uống trà sữa trân châu của quán, lần này cảm nhận hạt trân châu không không dẻo dai như trước mà bở hơn, uống xong cốc sữa một lúc vẫn còn vị chua như của bột ngũ cốc.

Yên tâm không phải trân châu polymer dẻo dai, tôi đề nghị nhân viên cho xem thêm nguồn gốc, xuất xứ của nguyên liệu trân châu nhập của cơ sở Lưu Anh Minh, thôn Bằng B, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai nhưng nhân viên quán kiên quyết không cho xem. Hóa ra cơ sở tưởng như tin cậy vẫn còn những mập mờ.

Tại phố Giảng Võ, vài quán trà sữa trân châu vẫn luôn đông khách. Một chủ quán rất “ tỉnh” trước những câu hỏi của khách hàng trước thông tin sữa trân châu có polymer, cho biết:” Nhiều khách hàng vào đây hỏi trân châu có polymer không, tôi phải giải thích nguyên liệu quán nhập đều có nguồn gốc, xuất xứ, được kiểm nghiệm đàng hoàng. Tôi có thể cho họ xem nhãn mác của từng loại nguyên liệu, nên họ vẫn uống bình thường”.

Tại quán hiện có các nguyên liệu thạch đủ màu sắc nhập từ Đài Loan, siro của Việt Nam, Pháp, Thái Lan còn trân châu thì chủ quán cho biết được nhập từ các chợ từng thùng 20kg với giá rất rẻ, chỉ hơn 10.000 đồng/kg.

Để tìm hiểu rõ hơn về nguồn gốc nguyên liệu làm trà sữa trân châu, phóng viên đã đến tìm hiểu tại 3 đầu mối chính cung cấp nguồn nguyên liệu này là chợ Hà Đông, Đồng Xuân và phố Hàng Buồm.

Hầu hết các quầy hàng khô chợ Hà Đông đều có bán hạt trân châu, nhưng cùng một sản phẩm của cơ sở Long Phú bao bì sản phẩm bán tại 2 quầy lại khác nhau. Sản phẩm của Long Phú bán tại quầy Đại Thu trên bao bì có hướng dẫn cách sử dụng nhưng bao bì của Long Phú bán tại quầy Oanh Hà lại không có. Gói trân châu Long Phú bán tại quầy Đại Thu ghi rõ bảo quản trong vòng 3 tháng, ngày sản xuất ghi " trên đầu bao" nhưng tìm mỏi mắt vẫn không thấy. Giá bán 1kg trân châu đóng gói là 15.000 đồng còn bột sắn nguyên liệu làm trân châu chỉ có 8.000 đồng/kg.

Tại chợ Đồng Xuân, dường như đã kịp nắm bắt thông tin trà sữa trân châu có polymer và quen với các đợt kiểm tra, các chủ quầy bán hàng khô dè dặt khi có khách hàng hỏi mua trân châu. Quầy bày một gói, quầy không bày gói nào nhưng khi khách hỏi, các chủ quầy đều nhanh nhẩu:" Thế lấy nhiều hay lấy ít?". Mặt dù giới thiệu còn nhiều loại khác để trong quầy nhưng khi khách muốn xem hàng các chủ quầy đều không muốn đưa ra.

Điều ngạc nhiên là cùng một loại trân châu Long Phú nhưng giá 1kg tại chợ Đồng Xuân là 45.000 đồng, cao hơn bán tại chợ Hà Đông tới 30.000 đồng. Sản phẩm như nhau nhưng giá chênh lệch quá lớn, vậy đâu là trân châu Long Phú thật, đâu là trân châu Long Phú giả.

Đến phố Hàng Buồm, nguồn cung cấp sữa chính cho các quầy trà sữa trân châu, các chủ quầy đều trả lời không có khi khách hàng hỏi mua sữa bột với cái nhìn đầy cảnh giác. Trên thực tế, để làm nên một cốc trà sữa trân châu không thể thiếu sữa bột và nguồn nguyên liệu này theo một chủ quầy trên phố Hàng Buồm thường là sữa Trung Quốc mua cả bao sau đó xé lẻ bán cho các quán mua về pha chế.

Trao đổi với đội trưởng đội quản lý thị trường số 2, Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội Lưu Bách Chiến,  cho biết từ đầu năm đến nay, đội số 2 mới xử lý được vài trường hợp kinh doanh sữa trên địa bàn quận Hoàn Kiếm do không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, phạt mỗi vi phạm 12,5 triệu đồng còn chưa phát hiện được vi phạm nào đối với mặt hàng sữa bột.

Theo ông Chiến, việc kiểm tra, xử lý đối với các hộ kinh doanh sữa bột trên phố Hàng Buồm là rất khó khăn. Vẫn biết ở đây có kinh doanh sữa bột nhưng hầu hết các cửa hàng không bày ra ngoài, đôi khi chỉ bày vài gói nhỏ nhưng thấy lực lượng chức năng là chủ quầy nhanh tay cất đi, việc kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của loại sữa này cũng rất hạn chế. Do các hộ kinh doanh ngay tại nhà nên việc kiểm tra hành chính cũng không đơn giản.

Trước thông tin trà sữa trân châu có polymer, ông Chiến cho biết đang cho cán bộ đi đi khảo sát, lấy số liệu các cơ sở kinh doanh nguyên liệu và số lượng quầy bán trà sữa trân châu trên địa bàn để phối hợp với cơ quan y tế lên kế hoạch tiếp theo. Việc kiểm tra, lấy mẫu kiểm định phải do cơ quan y tế chứ quản lý thị trường không có kinh phí để làm việc này. Mỗi lần lấy mẫu không phải là tốn ít tiền và thời gian do đó Sở Y tế phải có chương trình cụ thể, thống nhất với Quản lý thị trường mới quản lý tốt được mặt hàng này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục