Chùa Phương Quả - ngôi chùa nuôi giấu cán bộ thời tiền khởi nghĩa

Chùa Phương Quả hay còn gọi là chùa Gạo thuộc xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Côi (nay là huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) là nơi nuôi giấu cán bộ Việt Minh cốt cán.

Cách đây 70 năm, an toàn khu Phương Quả thuộc huyện Quỳnh Côi (nay là huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) là một trong những trung tâm cách mạng, khắp nơi sục sôi khí thế giành chính quyền về tay Việt Minh.

Chùa Phương Quả hay còn gọi là chùa Gạo (thuộc xã Quỳnh Nguyên) là nơi nuôi giấu cán bộ Việt Minh cốt cán như đồng chí Ngô Duy Đông, Lương Quang Chất, Nguyễn Đức Tâm.

Đây cũng là nơi làm việc của Tỉnh ủy Thái Bình, họp bàn những quyết sách quan trọng, góp phần làm nên thắng lợi cuộc Cách mạng tháng Tám tại Thái Bình.

Theo tài liệu được ghi tại Lịch sử Đảng bộ Thái Bình giai đoạn 1927-1954 và Lịch sử Đảng xã Quỳnh Nguyên, năm 1944 tổ chức thanh niên phản đế xã Quỳnh Nguyên được thành lập có nhiệm vụ trừ gian diệt ác, bảo vệ cơ sở cách mạng ở địa phương.

Tháng 4/1945, Ban chấn chỉnh phong trào họp và quyết định đổi tên thành Ban Tỉnh ủy lâm thời và bầu Ban Thường vụ do đồng chí Nguyễn Đức Tâm làm Bí thư. Hội nghị tiến hành một số nhiệm vụ cấp thiết để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa dành chính quyền như chuẩn bị về lực lượng, tổ chức và lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống phátxít Nhật, bè lũ tay sai. Là một xã hẻo lánh của huyện Quỳnh Côi, xã Quỳnh Nguyên được lựa chọn làm an toàn khu của tỉnh ủy.

Đến tháng 6/1945 , Tỉnh ủy Thái Bình chuyển về làng Phương Quả lấy chùa Phương Quả là trụ sở làm việc của tỉnh ủy. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, trực tiếp là Ban Tỉnh ủy lâm thời, phong trào kháng Nhật cứu nước diễn ra sôi nổi trong toàn tỉnh.

Trong những tháng ngày kháng chiến, ngôi chùa Phương Quả đã cưu mang nhiều cán bộ cách mạng Việt Minh. Sau nhiều thăng trầm của lịch sử và thời gian, đến nay ngôi chùa có lịch sử gần 200 năm tuổi vẫn giữ nguyên được nét cổ kính.

Nằm trong an toàn khu cách mạng khi đó, chùa Phương Quả là nơi hiếm hoi còn ghi lại dấu tích của những ngày lịch sử 70 năm trước.

Sư thầy Thích Đàm Oanh, trụ trì chùa Phương Quả dẫn chúng tôi đi tham quan đường hầm cách mạng khi xưa. Đường hầm được bố trí ngay dưới chân chính điện, cửa hầm hình tròn và chỉ đủ cho một người chui xuống. Đây chính là nơi trú ẩn và nơi diễn ra những cuộc họp của Tỉnh ủy Thái Bình khi đó.

Hầm được thông ra phía sau chùa, khi có động cán bộ cách mạng sẽ nhanh chóng trốn thoát.

Sư thầy Thích Đàm Oanh kể lại, vào thời điểm đó Hòa thượng Thích Thanh Đại là trụ trì chùa. Hòa thượng cùng với nhân dân làng Phương Quả bí mật nuôi giấu cán bộ cách mạng. Mỗi lần có mật thám đến truy lùng cán bộ Việt Minh Ngô Duy Đông (lúc đó ông Đông là Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh Thái Bình), bọn chúng hỏi hòa thượng, ông đều trả lời: “tôi là Đông đây.” Vì thế người dân trong làng thường gọi hòa thượng tên khác là thầy Đông. Nhờ sự dũng cảm, kiên quyết bảo vệ cán bộ, trong khoảng gần 2 tháng tỉnh ủy Thái Bình có nơi họp, làm việc ổn định, chỉ đạo kịp thời cho cuộc kháng chiến cứu nước giành thắng lợi.

Là một trong số ít nhân chứng về cuộc cách mạng tháng Tám 1945, ông Phạm Quang Cớt (sinh năm 1932, thôn Phương Quả Nam, xã Quỳnh Nguyên) cho biết, thời đó người dân ở làng Phương Quả có ý thức rất cao. Bọn mật thám thường dò la về cán bộ Việt Minh nhưng hỏi đến ai người dân cũng một mực nói không biết.

Ông cũng là người được học chương trình sơ học (nay là bậc tiểu học) tại chùa Phương Quả trong những năm tiền khởi nghĩa. Ông kể lại, lúc đó mới 12, 13 tuổi nên cũng chưa hiểu rõ cách mạng hay khởi nghĩa là thế nào, chỉ biết trong chùa có cán bộ cấp trên, thỉnh thoảng các cán bộ cách mạng ở chùa nhờ thông báo liên lạc đến những người trong làng, những cậu học trò như ông Cớt lại cẩn trọng, bí mật làm theo.

Đến cuối tháng 7/1945, phong trào cách mạng trong toàn tỉnh đã lên đến cao trào, cơ sở cứu quốc phát triển nhanh chóng, không khí chuẩn bị khởi nghĩa sục sôi khắp nơi. Ngày 18/8/1945, sau khi nhận được tin Hà Nội đã khởi nghĩa giành chính quyền, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp phiên bất thường tại phủ Thái Ninh ra lệnh tổng khởi nghĩa.

Chiều 18/8/1945, cuộc khởi nghĩa nổ ra đầu tiên ở Thái Ninh. Làn sóng cách mạng lan tỏa mạnh mẽ, tiếp sau phủ Thái Ninh lần lượt các địa phương trong tỉnh đồng loạt nổi dậy giành chính quyền. Tối 24/8/1945, Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh được thành lập.

Ngày 25/8/1945 khắp nơi trong tỉnh tổ chức míttinh mừng thắng lợi của tổng khởi nghĩa và thành lập chính quyền cách mạng. Chỉ trong vòng 6 ngày (từ 18 đến 24/8/1945) chính quyền cách mạng từ tỉnh xuống các phủ huyện, các làng xã đã hình thành, hệ thống chính quyền tay sai của phátxít Nhật đã bị xóa bỏ hoàn toàn.

Năm 1995 chùa Phương Quả đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh với thành tích là cơ sở liên lạc và bảo vệ cơ quan tỉnh ủy Thái Bình tại an toàn khu Phương Quả giai đoạn 1944-1945, chùa cũng nhiều năm liền chùa đạt danh hiệu “Chùa cảnh bốn gương mẫu.”

Ông Trần Xuân Thuẫn, Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Nguyên cho biết, không chỉ nuôi giấu cán bộ thời kỳ cách mạng tháng Tám năm 1945, giai đoạn 1947-1950 cùng với Chùa Cả ở thôn Trình Uyên, chùa Phương Quả còn là cơ sở sản xuất vũ khí chống Pháp của trung đoàn 42.

Năm 1951 xã Quỳnh Nguyên còn là cơ sở hoạt động của Quân khu tả ngạn do đồng chí Đỗ Mười làm Bí thư khu ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính và Chính ủy Bộ tư lệnh tả ngạn sông Hồng.

Trong suốt chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc, xã Quỳnh Nguyên như một “địa chỉ đỏ” của tinh thần và ý chí cách mạng. Năm 2010, xã đã vinh dự đón nhận danh hiệu đơn vị “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp.”

Phát huy truyền thống của địa phương anh hùng, trong công xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội xã Quỳnh Nguyên đã nỗ lực đạt 16/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến tháng 10/2015 trở thành xã nông thôn mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục