Chưa thể hạn chế trẻ lang thang ở TP Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh lại là nơi tập trung nhiều nhất đối tượng trẻ lang thang kiếm sống, trong số đó, có từ 70 đến 80%  là trẻ nhập cư.
Mặc dù là địa phương dẫn đầu cả nước trong công tác xóa đói giảm nghèo nhưng Thành phố Hồ Chí Minh lại là nơi tập trung nhiều nhất đối tượng trẻ lang thang kiếm sống, trong số đó, có từ 70 đến 80%  là trẻ nhập cư.

Rất nhiều vụ việc liên quan đến vấn đề "chăn dắt" lao động trẻ em, trẻ em lao động trong môi trường độc hại, bị xâm hại... đã được các cơ quan có chức năng phát hiện, xử lí nhưng dư luận thì vẫn chưa hết bức xúc.

Sở Lao động-Thương binh-Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh vừa tổ chức buổi tọa đàm với đại diện một số ban ngành có liên quan nhằm tìm giải pháp tháo gỡ thực trạng nêu trên.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải thừa nhận một thực tế là không thể ngăn chặn nổi vấn nạn trẻ em lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng, bị chăn dắt, bóc lột sức lao động... mà chỉ có thể tìm giải pháp để kéo giảm tình hình mà thôi. Sau các trận bão lũ vừa qua ở miền Trung, từ nay đến cuối năm và có thể kéo dài sang đầu năm 2010, thành phố sẽ phải đối đầu với một đợt di cư mới đối tượng người lao động nghèo, trong đó có trẻ em.

Các đại biểu thống nhất nguyên nhân cốt lõi gây nên vấn nạn trẻ em lang thang xin ăn là do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Chính quyền địa phương - nơi có trẻ em ra đi ít quan tâm và bản thân bố mẹ các em còn nhẫn tâm trao con mình cho bọn chăn dắt để nhận tiền... là những tác nhân dẫn đến hiện tượng trẻ em lang thang kiếm sống nhiều hiện nay.

Bà Phan Thanh Minh, Trưởng phòng Chăm sóc và bảo vệ trẻ em, Sở Lao động Thương binh Xã hội nhận định rằng kế hoạch từ nay đến năm 2010 thành phố sẽ cơ bản giải quyết tình trạng trẻ lang thang, trẻ lao động trong môi trường độc hại, trẻ bị xâm hại tình dục là không thể đạt được. Do đó, để tháo gỡ vấn đề này, rất cần sự hợp tác, cùng vào cuộc của các địa phương nơi có trẻ ra đi với chính quyền thành phố.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Giám đốc Sở, hai giải pháp quan trọng trước mắt hiện nay là tăng cường thanh tra, khảo sát tình hình số lượng và đẩy mạnh biện pháp tuyên truyền.

Đại diện Công an thành phố cho rằng, ngành lao động thương binh xã hội cần phải chia nhỏ tiêu chí “trẻ em lang thang” để dễ tìm giải pháp tháo gỡ.

Các cơ quan chức năng cũng đồng tình với ý kiến cho rằng hạn chế số trẻ lang thang trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong thời điểm này khó thực hiện vì các chính sách đưa ra lại vướng chính sách. Theo bà Minh, hiện chưa có sự thống nhất giữa quy định trong Bộ luật Lao động và Luật bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em ngay ở quan điểm “lao động chưa thành niên” và “lao động trẻ em”.

Một ý kiến khác chia sẻ sau khi báo chí đăng tải các thông tin về nạn chăn dắt lao động trẻ em trên địa bàn, Bộ Lao động Thương binh Xã hội đã vào tận địa bàn quận, tiến hành giao kết với chủ cơ sở sản xuất là không được sử dụng lao động dưới 16 tuổi, nhưng điều này lại mâu thuẫn với quy định hiện hành trong Bộ luật Lao động.

Theo báo cáo của Phòng chăm sóc và bảo trợ trẻ em, Sở Lao động Thương binh Xã hội, hiện nay thành phố có hơn 1.000 trẻ em lang thang kiếm sống.

Trẻ em lao động chủ yếu trong các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, kinh tế hộ gia đình, các cơ sở hầu hết đều vi phạm các quy định của Bộ luật Lao động, tập trung nhiều nhất ở quận Tân Bình, Bình Tân và Tân Phú./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục