Chưa thống nhất quy định số cấp phó ở bộ, cơ quan ngang bộ

Chưa thống nhất quy định số lượng cấp phó ở bộ, cơ quan ngang bộ

Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách tiếp tục thảo luận và cho ý kiến vào một số vấn đề lớn, còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
Chưa thống nhất quy định số lượng cấp phó ở bộ, cơ quan ngang bộ ảnh 1Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long Hồ Trọng Ngũ phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Chiều 15/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách tiếp tục thảo luận và cho ý kiến vào một số vấn đề lớn, còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì buổi làm việc.

Thảo luận về dự thảo Luật, đa số ý kiến tán thành với các nội dung quy định trong dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) với kết cấu gồm 8 chương, 50 điều.

Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến khác nhau về một số nội dung được các đại biểu tập trung góp ý như: cơ cấu tổ chức của Chính phủ; nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ; nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ...


Nội dung nhận được nhiều sự quan tâm, góp ý nhất tại buổi làm việc vẫn là quy định về số lượng cấp phó ở các bộ và cơ quan ngang bộ.

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quá trình thảo luận Dự án luật này, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ trong Luật số lượng cấp phó ở bộ, cơ quan ngang bộ và các đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ. Có ý kiến đề nghị không quy định cứng trong Luật về nội dung này.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy định trong Luật số lượng cấp phó ở bộ, cơ quan ngang bộ là cần thiết. Do đó, dự thảo lần này quy định trong Chương V: "Số lượng Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tối đa là 5, trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Chính phủ quy định cụ thể số lượng Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ của từng bộ, cơ quan ngang bộ. Số lượng cấp phó của người đứng đầu vụ, văn phòng, thanh tra, cục và đơn vị sự nghiệp công lập không quá 3; số lượng cấp phó của người đứng đầu của tổng cục không quá 4."

Tại buổi thảo luận, những ý kiến tán thành việc quy định rõ trong Luật số lượng cấp phó ở bộ, cơ quan ngang bộ và các đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ đề nghị dự thảo Luật cần có quy định về các cấp phó, với yêu cầu về nâng cao năng lực, trình độ quản lý để đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, đánh giá kỹ tại sao chỉ ấn định số lượng 5 cấp phó ở mỗi bộ ngành và tại sao không quá 5 cấp phó. Các đại biểu đề nghị rà soát lại nhu cầu thực tế của các cơ quan bộ, ngang bộ để có quy định phù hợp, sát thực hơn.

Liên quan đến thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao, tại buổi làm việc, có ý kiến đề nghị bỏ quy định “Chính phủ đề nghị Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án, nếu thấy bản án, quyết định có dấu hiệu vi phạm pháp luật” (khoản 2 Điều 40 của Dự thảo Luật); bỏ quy định “Chính phủ đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét lại kết luận điều tra, cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân liên quan đến các cơ quan hành chính Nhà nước; việc thực hiện kết luận điều tra, cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân, nếu thấy vi phạm pháp luật” (khoản 2 Điều 41 của Dự thảo Luật). Ý kiến này được nhiều đại biểu đồng ý.

Một số ý kiến đề nghị quy định rõ về sự phân cấp giữa Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ với chính quyền địa phương để bảo đảm hiệu quả của quản lý Nhà nước. Nội dung này trong các luật chuyên ngành đã quy định cụ thể. Trong dự thảo Luật tổ chức Chính phủ, vấn đề phân cấp quy định mang tính nguyên tắc đã được thể hiện tại khoản 4 Điều 3.

Các đại biểu cũng tán thành với quy định "Trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ" tại Điều 28 của dự thảo.

Theo đó, Thủ tướng thực hiện báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước; trường hợp vắng mặt thì ủy quyền cho Phó Thủ tướng Chính phủ thực hiện; thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 16/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách tiếp tục cho ý kiến vào một số vấn đề lớn, còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương. Hội nghị được truyền hình trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố./.

Tin cùng chuyên mục