Chuẩn bị để đối phó với nạn “sờ bia, xoa đầu rùa”

Sát kỳ thi tuyển sinh đại học-cao đẳng, nhiều thí sinh nô nức tìm đến Văn Miếu-Quốc Tử Giám để yên tâm và xin được “thêm sức mạnh.”
Trong những ngày gần với kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học-cao đẳng, một địa chỉ được các thí sinh nô nức tìm đến là Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Dường như họ muốn tới đây để được “thêm sức mạnh” và  hy vọng trước kỳ thi.

Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Đặng Kim Ngọc, Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hoá khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám trong "mùa cầu mong" của thí sinh.

- Xin ông có thể cho biết nhận xét về lượng khách là thí sinh mùa thi năm nay đã đến Văn Miếu-Quốc Tử Giám?

Tiến sĩ Đặng Kim Ngọc: Khi nhận được yêu cầu phỏng vấn của Vietnam+, tôi vừa cập nhật các nhận xét của cán bộ nhân viên từ các bộ phận để trả lời chính xác. Nói chung anh em đều cho biết số thí sinh đến Văn Miếu-Quốc Tử Giám đợt thi này chưa đông bằng mọi năm. Chính vì thế mà chúng tôi chưa bị căng thẳng vì phải việc bảo vệ các di sản quý trong mùa thi.

- Tuy vậy, chắc chắn Trung tâm Văn Miếu-Quốc Tử Giám cũng phải có các phương án bảo vệ và ứng phó tình huống mùa thi?

Tiến sĩ Đặng Kim Ngọc: Cũng như mọi năm, năm nào thì cán bộ và nhân viên của chúng tôi cũng phải “trực chiến” ít nhất đến ngày 15/7 thì mới giải quyết trường hợp nào xin đi nghỉ mát, nghỉ phép, nghỉ việc riêng. Chúng tôi có 79 cán bộ, nhân viên luôn túc trực đầy đủ. Đặc biệt đội bảo vệ gồm 27 người luôn có mặt tại Trung tâm.

Mọi năm, chúng tôi thường nhận được yêu cầu phối hợp từ Ban Trường học của Thành đoàn Hà Nội trong việc tổ chức các sinh viên tình nguyện đến tham gia, như giúp phần nào giới thiệu Văn Miếu, bảo vệ ở khu nhà bia, hỗ trợ để các thí sinh có được sự trật tự an toàn chung. Nhưng năm nay, chưa thấy bên Thành đoàn sang làm việc.

Còn những sinh viên tình nguyện hiện đang đứng ở khu nhà bia đến từ trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Hàng năm, con số này có thể tới cả trăm sinh viên. Năm nay chỉ có 30 em.

- Đặc biệt khi những tấm bia tiến sĩ của các khoa thi triều Lê-Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội đã được UNESCO công nhận Di sản tư liệu thế giới thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương việc bảo vệ, gìn giữ báu vật quốc gia càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết?


Tiến sĩ Đặng Kim Ngọc: Đúng là nạn “sờ bia, xoa đầu rùa” đã đến hồi báo động vì khi đông quá thì không thể kiểm soát được. Nhân viên bảo vệ của chúng tôi và các bạn sinh viên tình nguyện cũng chỉ nhắc nhở, ngăn chặn và hạn chế được thôi. Không thể dùng biện pháp mạnh được. Suy cho cùng mong muốn được sở bia, xoa đầu rùa là để thể hiện một nguyện ước tốt đẹp, một động tác tâm linh.

- Thái độ của nhân viên của Trung tâm khi các thí sinh cứ cố tình lao vào xoa bia?

Tiến sĩ Đặng Kim Ngọc: Thế thì đành chịu thôi. Vì một khi mà người đến đây có mục đích xoa đầu rùa cho bằng được, thì thế nào họ cũng xoa được. Mình chặn chỗ này, họ chạy qua bên kia. Có khi xin chụp ảnh rồi xoa trộm một cái. Những ngày trước kỳ tuyển sinh đại học, Văn Miếu đón cả vạn lượt khách mỗi ngày. Dù đã huy động toàn bộ cán bộ nhân viên, bảo vệ của trung tâm và lực lượng thanh niên tình nguyện tham gia hướng dẫn, giải thích, nhưng vẫn không thể ngăn được dòng người vào sờ bia, xoa đầu rùa lấy may, khiến đầu rùa ngày càng nhẵn bóng, còn các tấm Bia Tiến sĩ ngày càng mờ.

- Ông có thể cho biến các phương án bảo vệ khả thi?

Tiến sĩ Đặng Kim Ngọc: Có hai phương án được đề xuất: Phương án thứ nhất là sử dụng hàng rào trong suốt bằng kính chịu lực (cao hơn đầu người) bao quanh nhà bia, vừa đảm bảo thông thoáng bên trong và bên ngoài, vừa đáp ứng nhu cầu thưởng lãm của du khách. Nhưng phương án này bị coi là tạo khoảng cách và không phù hợp với không gian, cảnh quan của cả khu vực. Phương án thứ hai là sử dụng hàng rào ngăn cách bằng cột gỗ và con tiện gỗ với màu sắc và hoạ tiết trang trí theo lối cổ. Phương án này nếu được duyệt, chúng tôi sẽ làm trong thời gian tới.

- Các chuyên gia đã có một phương án nào vừa thỏa mãn “động tác tâm linh” lại vẫn bảo vệ được Di sản tư liệu thế giới không?

Tiến sĩ Đặng Kim Ngọc: Có, chúng tôi cũng đã đặt vấn đề này và đang chờ cấp trên xem xét. Chúng tôi sẽ làm hai rùa mẫu cõng bia bằng đá sau đó đặt phía trước mỗi khu nhà cho thí sinh cũng như người đến xoa. Cũng có thể sẽ đặt cả bát hương để người muốn có thể thắp nén nhang cầu mong. Việc làm này có người có thể cho là cổ vũ cho mê tín nhưng thực ra đó là một nhu cầu về tâm lý thôi.

- Việc này chưa thực hiện kịp khi kỳ thi đã áp sát còn đôi ba ngày nên Trung tâm vẫn cần có biện pháp bảo vệ rùa di sản...


Tiến sĩ Đặng Kim Ngọc: Không riêng gì dịp thi cử mà quang năm chúng tôi phải bảo vệ di sản quý giá này rồi. Như dịp Tết Canh Dần vừa qua, chỉ riêng những ngày Tết Nguyên đán đã có hơn hơn 300.000 lượt khách đến Văn Miếu du xuân. Để bảo vệ các tấm bia, chúng tôi đã phải dựng cọc chăng dây ngăn cách giữa các tấm bia với khách tham quan, nhưng nhiều người thậm chí hất đổ cả cọc để vào sờ bia, xoa đầu rùa bằng được. Chúng tôi cũng đã dùng nhiều hình thức tuyên truyền để dần khắc phục tình trạng này.

- Trân trọng cảm ơn ông!


Nguyễn Kim Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục