Chứng khoán 3 sàn chủ chốt của châu Á đều đi lên

Chứng khoán châu Á phiên 24/1 chủ yếu tăng điểm, với hai trong số ba sàn chủ chốt của khu vực là Nhật Bản và Trung Quốc đều đi lên.
Tiếp nối màu xanh đêm trước trên sàn chứng khoán Phố Wall, chứng khoán châu Á mở cửa phiên 24/1 chủ yếu tăng điểm, với hai trong số ba sàn chủ chốt của khu vực là Nhật Bản và Trung Quốc đều đi lên.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản dẫn 0,36% và Shanghai Composite của Trung Quốc ghi thêm 0,1%. Riêng thị trường Hong Kong lại giật lùi ngay từ những phút giao dịch đầu tiên, chủ yếu do hoạt động bán ra chốt lời của giới đầu tư sau khi chỉ số Hang Seng tăng mạnh trong tuần trước, lên mức cao nhất 20 tháng qua.

Đêm trước tại Mỹ, chứng khoán Phố Wall tăng điểm nhờ các báo cáo lợi nhuận tích cực của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ cũng như những tiến triển khả quan trong "cuộc chiến" về ngân sách tài khóa của Washington.

Các "đại gia" công nghệ của Mỹ như IBM, Apple, Netflix và United Technologies Corp. đều công bố lợi nhuận tốt hơn kỳ vọng, trong khi Hạ viện Mỹ đồng ý lùi lại việc ra quyết định về trần nợ công thêm ba tháng nữa - một tín hiệu tốt cho thị trường ít nhất là trong trung hạn.

Phản ứng tích cực với các tin tốt trên, cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều đi lên và đóng cửa phiên 23/1 trong màu xanh, với Dow Jones Industrial Average tăng 67,12 điểm (0,49%) lên 13.779,33 điểm; S&P 500 tiến 2,25 điểm (0,15%) lên 1.494,81 điểm, và Nasdaq Composite tăng 10,49 điểm (0,33%) lên 3.153,67 điểm. Các cổ phiếu công nghệ tăng khá ấn tượng, trong đó cổ phiếu của IBM tăng tới 4,4%; Google "lướt" thêm 5,5%; Apple tiến 1,8% và Netflix nhảy 5,6%.

Cùng ngày tại châu Âu, các thị trường chứng khoán khu vực này lại biến động trái chiều sau khi Thủ tướng Anh David Cameron công bố kế hoạch trưng cầu dân ý về khả năng Anh có còn tham gia khối Liên minh châu Âu (EU) hay không, cùng số liệu chính thức từ Tây Ban Nha cho thấy kinh tế nước này tiếp tục chìm sâu vào suy thoái.

Thủ tướng Anh Cameron đã cam kết sẽ để người dân Anh tự lựa chọn việc nước Anh ra đi hay ở lại với khối EU nếu đảng của ông chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Trong khi đó, theo Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha, nền kinh tế nước này trong quý 3/2012 đã lao dốc với tốc độ nhanh nhất trong hơn ba năm qua (giảm tới 0,6%), do tỷ lệ thất nghiệp cao và chính sách thắt lưng buộc bụng khiến nhu cầu sụt giảm mạnh.

Quý trước đó, nền kinh tế lớn thứ tư trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) này cũng đã sụt giảm 0,3%.

Đóng cửa phiên 23/1, FTSE 100 của Anh tiến 0,30% lên 6.197,64 điểm; DAX 30 của Đức tiến 0,15% lên 7.704,54 điểm và CAC 40 của Pháp lùi 0,40% lên 3.726,17 điểm./.

Thùy Chi (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục