Chứng khoán châu Á biến động không đồng nhất

Chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương biến động không đồng nhất, trong bối cảnh thị trường chứng khoán Thượng Hải có dấu hiệu "hồi sinh."
Trong phiên giao dịch 10/2, các thị trường chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương biến động không đồng nhất, trong bối cảnh thị trường chứng khoán Thượng Hải có dấu hiệu "hồi sinh," sau quyết định tăng lãi suất của Chính phủ Trung Quốc.

Tại Nhật Bản, thị trường chứng khoán Tokyo trải qua một phiên giao dịch khá "buồn tẻ" khi chỉ số Nikkei 225 giảm 12,18 điểm (0,11%) xuống 10.605,655 điểm, do tâm lý "háo hức" tận hưởng kỳ nghỉ kéo dài ba ngày, bắt đầu từ ngày 11/2, của giới đầu tư.

Tsuyoshi Segawa, chiến lược gia thuộc công ty Mizuho Securities, nhận định sau thông tin không mấy "sáng sủa" của thị trường chứng khoán Phố Wall đêm trước, một số nhà giao dịch đã tiến hành hoạt động bán ra chốt lời, trước khi bước vào kỳ nghỉ.

Theo chiến lược gia này, tâm lý của giới đầu tư đang bị "đè nặng" bởi đồn đoán một số nền kinh tế mới nổi sẽ "theo chân" Trung Quốc tăng lãi suất. Trong khi một số chuyên gia khác cho rằng các nhà đầu tư đang chờ đợi số liệu về tốc độ tăng trưởng của "xứ sở hoa Anh Đào" trong quý 4/2010 và chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc.

Tại Trung Quốc, chốt phiên 10/2, chỉ số Shanghai Composite của thị trường chứng khoán Thượng Hải (bao gồm cả cổ phiếu loại A và B) tăng 44,09 điểm (1,59%) lên 2.818,16 điểm. Nhà phân tích cao cấp của công ty China Development Bank Securities, Chen Shaodan, đánh giá rằng sự phục hồi của cổ phiếu ngân hàng và bất động sản đã đẩy chỉ số của thị trường này đi lên.

Tuy nhiên, theo nhà phân tích này, các nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý thận trọng trong việc đầu tư vào các cổ phiếu hàng đầu và điều này có thể khiến chỉ số Shanghai Composite dao động trong biên độ hẹp. Thêm vào đó, báo cáo doanh số bán hàng tăng mạnh trong tháng 1/2011 của các nhà chế tạo ôtô cũng là nhân tố hỗ trợ thị trường chứng khoán Thượng Hải trong phiên này.

Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của thị trường chứng khoán Hongkong giảm 455, 41 điểm (1,97%) xuống 22.708,62 điểm. Steven Leung, Giám đốc phụ trách bán hàng của công ty UOB KayHian, có trụ sở tại Hongkong, nhận định động thái tăng lãi suất mới đây của Trung Quốc, nhằm kiểm soát lạm phát đang tiếp tục gây lo lắng cho các nhà đầu tư tại đặc khu này. Thêm vào nỗi lo của thị trường là dự đoán của một số nhà kinh tế rằng tỷ lệ lạm phát của Trung Quốc có thể vượt quá 5% trong 2 tháng đầu năm 2011.

Ngược với xu hướng giảm điểm của thị trường chứng khoán Hongkong, chỉ số S&P/ASX 200 của thị trường chứng khoán Sydney tăng 9,6 điểm (0,19%) và đóng cửa ở mức 4.914,4 điểm, trước những thông tin tích cực về thị trường việc làm và kết quả kinh doanh của tập đoàn Rio Tinto.

Đêm trước tại Mỹ, thị trường chứng khoán Phố Wall trải qua một phiên giao dịch tương đối "êm ả", khi chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 6,74 điểm (0,06%) đóng cửa ở mức 12.239,89 điểm, còn chỉ số S&P 500 giảm 3,69 điểm (0,28%) xuống 1.320,88 điểm.

Nhiều nhà phân tích của trang web Briefing.com cho rằng các thị trường chứng khoán không có phản ứng tích cực nào từ tuyên bố của Chủ tịch Fed, Ben Bernanke, bởi vị chủ tịch này không đưa ra bất cứ triển vọng về kinh tế vĩ mô hay những thông tin chi tiết mới nào.

Trước đó, ông Ben Bernanke đã khẳng định quá trình phục hồi kinh tế đã mạnh dần lên trong những tháng gần đây, bất chấp tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao./.

Trà My (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục