Chứng khoán châu Á cùng tăng điểm nhờ có tin tốt

Thông tin về lợi nhuận của Wal-Mart Stores Inc. và Home Depot Inc. khiến cho chứng khoán châu Á tăng điểm trong phiên giao dịch 18/8.
Các thị trường chứng khoán châu Á hầu như đều tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 18/8, khi những thông tin về việc các tập đoàn bán lẻ Wal-Mart Stores Inc. và Home Depot Inc. của Mỹ đạt lợi nhuận cao hơn dự kiến giúp xoa dịu những lo ngại về việc kinh tế Trung Quốc và những nơi khác đang giảm tốc.

Tuy nhiên, đà tăng trên thị trường vẫn bị hạn chế phần nào bởi các số liệu trái chiều về tình hình kinh tế Mỹ. Chỉ số chứng khoán MSCI của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) phiên này tăng 0,46%, tiếp nối đà tăng trên thị trường chứng khoán phố Wall đêm trước.

Thị trường chứng khoán toàn cầu phấn chấn trước thông tin cho biết trong quý II/2010, các tập đoàn bán lẻ Wal-Mart Stores Inc và Home Depot Inc của Mỹ đã đạt lợi nhuận cao hơn dự kiến, khi lần lượt tăng 3,6% và 7%. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo kết quả này, chủ yếu nhờ việc cắt giảm chi phí, không phản ánh sức khỏe của nền kinh tế.

Theo các số liệu kinh tế mới nhất của Mỹ, giá thành sản xuất tháng 7/2010 đã tăng lần đầu tiên trong bốn tháng, giúp xoa dịu những lo ngại về giảm phát, nhưng số lượng nhà được khởi công lại tăng chậm hơn dự kiến, và số lượng các giấy phép xây dựng được cấp cũng giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm, cho thấy đà phục hồi kinh tế Mỹ đang giảm tốc.

Cổ phiếu của tập đoàn khai mỏ toàn cầu BHP của Australia là tâm điểm chú ý trên thị trường chứng khoán châu Á trong phiên này, với việc giảm 4,2% xuống 38,51 AUD, do những lo ngại rằng tập đoàn này có thể phải trả quá nhiều để mua công ty phân bón Potash Corp sau khi công ty Canada này khước từ mức giá chào mua ban đầu 39 tỷ USD của BHP.

Trong khi cổ phiếu của BHP giảm mạnh kéo chỉ số chứng khoán chủ chốt S&P/ASX 200 của Australia xuống 4.474,90 điểm, giới đầu tư trên các thị trường chứng khoán khác trong khu vực coi thương vụ này là một dấu hiệu phản ánh lòng tin đối với thị trường.

Trên thị trường chứng khoán Nhật Bản phiên 18/8, giá các cổ phiếu tăng 0,86% khi giới đầu tư đua nhau mua vào các cổ phiếu giá rẻ sau khi thị trường đóng cửa ở mức thấp nhất trong 8 tháng trong phiên trước. Chỉ số Nikkei ghi thêm 78,86 điểm lên đóng cửa ở mức 9.240,54 điểm.

Mặc dù vậy, đà tăng trên thị trường vẫn bị hạn chế do giới đầu tư tỏ ra thận trọng trước sự lên giá của đồng yen, bởi nếu tiếp diễn nó sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các nhà xuất khẩu Nhật Bản.

Theo các nhà giao dịch, chỉ số Nikkei sẽ khó có thể tiếp tục tăng cao nếu đồng yen không giảm giá mạnh. Norihiro Fujito, Tổng Giám đốc bộ phận nghiên cứu và thông tin đầu tư thuộc công ty chứng khoán Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities, nhận định thị trường đang phục hồi theo sau đà tăng trên thị trường chứng khoán Mỹ phiên giao dịch đêm trước, nhưng những người chơi chủ yếu trên thị trường vẫn là các nhà giao dịch hàng ngày và họ thường bán tháo cổ phiếu khá nhanh khi đà tăng giá có dấu hiệu suy yếu.

Trong khi đó, chỉ số KOSPI của thị trường chứng khoán Hàn Quốc tăng 6,96 điểm (0,4%) lên 1.761,99 điểm và cổ phiếu tại thị trường chứng khoán Singapore tăng 0,16%.

Phiên này, thị trường chứng khoán Hongkong và Thượng Hải lại đi ngược xu hướng chung trong khu vực. Chỉ số Hang Seng tại thị trường chứng khoán Hongkong giảm 114,70 điểm (0,54%) xuống 21.022,73 điểm, do thị trường chịu áp lực của các hoạt động bán chốt lời bất chấp những số liệu tích cực về kinh tế Mỹ.

Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite của thị trường chứng khoán Thượng Hải giảm 5,59 điểm (0,21%) xuống 2.666,30 điểm, giữa những lo ngại rằng các biện pháp hạn chế tín dụng của Bắc Kinh đang khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm quá nhanh.

Còn các thị trường chứng khoán khác trong khu vực, gồm Ấn Độ, Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và New Zealand đều tăng điểm./.

Phương Thảo (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục