Chứng khoán châu Á đi xuống do tâm lý thận trọng

Chứng khoán châu Á trong phiên 17/1 đi xuống khi các nhà đầu tư dè dặt sau nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm kiểm soát lạm phát.
Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đi xuống trong phiên giao dịch ngày 17/1, khi các nhà đầu tư dè dặt sau nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm kiểm soát lạm phát, trong khi chờ đợi cuộc họp giữa Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra trong tuần này.

Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải dẫn đầu xu hướng giảm điểm, với mức giảm 84,68 điểm, hay 3,03%, xuống 2.706,66 điểm.

Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia giảm 38,4 điểm (tương đương 0,8%) xuống 4.763,1 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hongkong giảm 126,26 điểm, hay 0,52%, xuống 24.156,97điểm.

Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 8,32 điểm, xuống 2.099,85 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nikkei-225 của Nhật Bản tăng 3,82 điểm (tương đương 0,04%) lên 10.502,86 điểm.

Cuối tuần trước, Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các ngân hàng nhà nước nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 0,5% các khoản tiền gửi kể từ ngày 20/1. Đây là lần thứ bảy trong một năm, Trung Quốc yêu cầu các ngân hàng nâng tỷ lệ này, nhằm giảm lượng tiền mặt đang lưu thông trong nền kinh tế. Việc đẩy mạnh cho vay trong hai năm qua đã giúp kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh chóng sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu, song đi cùng với đó là hệ quả về lạm phát.

Đồng thời, các thị trường cũng đang theo dõi diễn biến các cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ trong tuần này, với sự quan tâm đến các dấu hiệu cải thiện trong mối quan hệ vốn không êm đẹp giữa hai nước.

Tuy nhiên, các nhà phân tích không cho rằng các cuộc gặp này sẽ cho thấy những bước đột phá lớn. Nhà phân tích David Cohen ở Action Economics (Singapore) cho rằng hai bên sẽ vẫn giữ vững quan điểm riêng của mình trong các vấn đề đang tranh cãi, đặc biệt là vấn đề tỷ giá đồng nhân dân tệ.

Trong khi đó, tại châu Âu, các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro (Eurozone) đang nhóm họp tại Brussels để bàn thảo những chiến lược mới nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ trong khu vực, trong lúc các nhà phân tích cho rằng chiến lược hiện nay đã thất bại.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde cho rằng cần phải tăng quy mô Quỹ bình ổn tài chính châu Âu để quỹ này có thể mua trái phiếu chính phủ trên thị trường mở. Mặc dù một số nhà phân tích cho rằng sẽ khó có quyết định rõ ràng được đưa ra trong tuần này, song ít nhất cuộc họp đang diễn ra sẽ cho các nhà đầu tư biết các nước Eurozone bất đồng hay thống nhất về việc mở rộng quỹ cứu trợ./.

Lê Minh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục