Chứng khoán châu Á đỏ sàn trước tín hiệu ảm đạm

Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm nhẹ 8,38 điểm, tương đương 0,1%, xuống còn 8.775,51 điểm.
Sau khi trải qua phiên giao dịch đầu tuần ảm đạm, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đều tiếp tục lùi sâu trong ngày 4/9, khi những kỳ vọng về các biện pháp kích thích kinh tế mới trước cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang dần bị thay thế bởi những lo ngại về diễn biến tiêu cực của nền kinh tế toàn cầu, sau khi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Trung Quốc vừa đồng loạt công bố các số liệu yếu kém của ngành sản xuất trong tháng 8/2012.

Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm nhẹ 8,38 điểm, tương đương 0,1%, xuống còn 8.775,51 điểm. Trong khi đó, tại thị trường Sydney của Australia và thị trường Seoul của Hàn Quốc, chỉ số S&P/ASX200 và Kospi cũng lần lượt hạ 26,2 điểm (0,61%) và 5,58 điểm (0,61%), đóng cửa ở mức 4.303,5 điểm và 1.907,13 điểm.

Tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong cũng đều khép phiên trong "sắc đỏ," do những lo ngại về sức tăng trưởng chậm lại của kinh tế trong nước. Chỉ số Hang Seng và Shanghai Composite lần lượt mất 129,30 điểm (0,66%) và 15,5 điểm (0,75%), xuống còn 19.429,91 điểm và 2.043,65 điểm.

Nối gót đà tăng điểm từ cuối tuần trước, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Âu đều tiếp tục khởi sắc trong phiên giao dịch đầu tuần này (ngày 3/9), khi giới đầu tư vẫn nuôi hy vọng rằng các ngân hàng trung ương chủ chốt sẽ sớm tung ra các biện pháp kích thích kinh tế mới nhằm cải thiện tình hình kinh tế thế giới vốn đang có xu hướng xấu đi. Niềm hy vọng vững chắc này đã làm lu mờ các số liệu kinh tế đáng thất vọng từ châu Âu và Trung Quốc.

Chốt phiên này, chỉ số FTSEurofirst 300 của các mã cổ phiếu hàng đầu châu Âu tăng 0,8%, lên 1.091,61 điểm. Đáng chú ý là cổ phiếu của công ty dược phẩm Pháp Sanofi và ngân hàng Italy UniCredit lần lượt tăng mạnh 2,2% và 1,7%.

Tại thị trường London, chỉ số FTSE 100 của Anh ghi thêm 0,82%, lên 5.805,34 điểm; còn chỉ số CAC 40 tại Paris tăng tới 1,19% lên 3.453,71 điểm. Trong khi đó, tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX 30 cũng tiến 0,63%, đóng cửa ở mức 37.014,83 điểm.

Bất chấp các báo cáo mới nhất cho thấy hoạt động của ngành chế tạo tại Eurozone trong tháng 8/2012 đã sụt giảm mạnh hơn dự kiến, còn tại Trung Quốc cũng xuất hiện một số dấu hiệu cho thấy tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tiếp tục chậm lại trong quý III/2012, các cổ phiếu châu Âu vẫn đua nhau lên điểm trong phiên giao dịch 3/9, do các nhà đầu tư đang hướng sự tập trung vào cuộc họp chính sách của ECB, dự kiến sẽ diễn ra trong tuần này, với hy vọng rằng thể chế tài chính lớn nhất "Lục địa già" sẽ đưa ra các biện pháp cụ thể nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ đang hoành hành tại khu vực.

Theo kế hoạch, tại cuộc họp tới, ECB sẽ công bố chi tiết kế hoạch thu mua trái phiếu chính phủ Tây Ban Nha và Italy nhằm hạ thấp chi phí vay mượn của hai quốc gia này, một trong những nỗ lực nhằm đẩy lùi bóng đen nợ công tại châu Âu./.

Minh Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục