Chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương phục hồi

Thị trường chứng khoán châu Á, các hoạt động giao dịch đã bắt đầu hồi phục trước những số liệu tích cực về tình hình kinh tế Mỹ.
Trong phiên giao dịch ngày 2/12 tại thị trường chứng khoán châu Á, các hoạt động giao dịch đã bắt đầu hồi phục trước những số liệu tích cực về tình hình kinh tế Mỹ và giới đầu tư bớt lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Cụ thể, kết thúc phiên này, chỉ số S&P/ASX 200 của thị trường chứng khoán Australia tăng 1,95% (99,6 điểm) lên 4.676,2 điểm - mức cao nhất kể từ ngày 1/9/2010; chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng 1,81% (180,47 điểm) lên 10.168,52 điểm và chỉ số Kospi tại thị trường chứng khoán Seoul tăng 1,09% (20,94 điểm) lên 1.950,26 điểm.

Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hongkong tăng 0,86% (198,98 điểm) lên 23.448,78 điểm và chỉ số Composite tại Thượng Hải (bao gồm cả cổ phiếu loại A và B) cũng tăng 20,16 điểm lên 2.843,61 điểm.

Dưới "bóng đen" của nguy cơ nổ ra một cuộc khủng hoảng nợ tại Eurozone, từ đầu tuần tới nay, hoạt động giao dịch liên tục diễn ra ảm đạm và thị trường chỉ lấy lại được đà tăng trong phiên 2/11, nhờ những số liệu tích cực về tình hình việc làm và hoạt động sản xuất của Mỹ trong tháng 11/2010, đem đến hy vọng về "tương lai tươi sáng" cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo thống kê chính thức, đã có thêm 93.000 việc làm trong khu vực tư nhân của Mỹ trong tháng qua - mức tăng nhanh nhất trong 3 năm trở lại đây, trong khi chỉ số hoạt động sản xuất ở trên 50 điểm - một kết quả tốt cho thấy sản lượng sản xuất của Mỹ tiếp tục gia tăng.

Theo nhà phân tích thị trường Masayoshi Yano thuộc Công ty chứng khoán Meiwa, vấn đề quan trọng hiện nay là tình hình kinh tế Mỹ cho thấy dấu hiệu sẽ cải thiện trong năm tới.

Sau khi Mỹ công bố số liệu về lĩnh vực việc làm ngày 1/12, tại New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones cuối phiên này đã tăng tới 249,76 điểm (2,3%) lên 11.255,78 điểm - mức cao nhất kể từ ngày 1/9/2010.

Gói cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dành cho Ireland không những không làm dịu những lo lắng của giới đầu tư về vấn đề nợ, mà còn làm dấy lên quan ngại về khả năng những quốc gia khác trong khu vực như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha có thể đi theo "vết xe đổ" của Ireland.

Tuy nhiên, mối lo ngại này có phần lắng xuống khi ngày 1/12, Tây Ban Nha công bố những biện pháp mới nhằm cắt giảm ngân sách với hy vọng làm hồi sinh nền kinh tế.

Thêm vào đó, thị trường chứng khoán châu Âu cũng được đẩy lên, sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết có thể sẽ mua trái phiếu do những quốc gia trong EU phát hành, nhằm đẩy giá đồng euro lên.

Kết thúc phiên ngày 1/12, chỉ số FTSE 100 của thị trường chứng khoán London tăng 2,07% lên 5.642,50 điểm, chỉ số CAC 40 tại Paris tăng 1,63% lên 3.669,29 điểm, trong khi chỉ số DAX tại Frankfurt tăng 2,66% lên 6.866,63 điểm./.

Trà My (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục