Chứng khoán châu Á trái chiều, thờ ơ với bầu cử Mỹ

Kết thúc phiên, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 giảm nhẹ, hai chỉ số Kospi và S&P/ASX200 lại biến động theo chiều tăng.
Trái với dự đoán của nhiều người, các thị trường toàn cầu, bao gồm cả thị trường chứng khoán châu Á, đã phản ứng khá thờ ơ với kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, vừa được công bố vào chiều 7/11, với chiến thắng thuộc về ông Barack Obama.

Kết thúc phiên, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm nhẹ 2,26 điểm, tương đương 0,03%, xuống còn 8.972,89 điểm.

Trong khi đó, tại thị trường Seoul của Hàn Quốc và Sydney của Australia, hai chỉ số Kospi và S&P/ASX200 lại biến động theo chiều tăng, song dao động không đáng kể so với phiên trước, lần lượt chỉ tăng 9,38 điểm (0,49%) và 31,7 điểm (0,71%), lên mức 1.937.55 điểm và 4.516,5 điểm.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong lại biến động bất nhất, khi mà tâm lý của giới đầu tư bị giằng co giữa một bên là niềm hứng khởi từ kết quả bầu cử của Mỹ và một bên là sự thận trọng trước thềm Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc, khai mạc ngày 8/11.

Đóng cửa phiên này, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 155,42 điểm (0,71%), lên 22.099,85 điểm; còn chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải lại hạ nhẹ 0,27 điểm, xuống còn 2.105,73 điểm.

Sau cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đầy kịch tính và bám đuổi hết sức sít sao giữa hai ứng viên của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa là ông Obama và ông Mitt Romney, đương kim Tổng thống Mỹ Obama đã chính thức tái đắc cử vào ngày 7/11. Nhiều người hy vọng kết quả này sẽ mang lại cho kinh tế Mỹ một diện mạo mới với những biện pháp và chính sách mà vị Tổng thống da màu này đưa ra.

Sau gần bốn năm ông Obama lên nắm quyền, nền kinh tế Mỹ đã từng bước thoát ra khỏi cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong vòng 70 năm qua, mặc dù đà phục hồi vẫn chưa thực sự vững chắc, song nhờ các chính sách năng lượng đúng đắn, đến nay Mỹ đã giảm mạnh sự lệ thuộc vào nguồn xăng dầu nhập khẩu, đồng thời gia tăng mạnh việc chế biến và khai thác nguồn nhiên liệu ở trong nước. Kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 31 tháng liên tục, tạo thêm 5,2 triệu việc làm.

Tuy nhiên, do “thừa hưởng” một nền kinh tế yếu kém từ người tiền nhiệm đảng Cộng hòa là George Bush, nợ công của Mỹ đã tăng vọt từ 10.700 tỷ USD lên mức hiện nay là 16.000 tỷ USD, trong khi tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp vẫn ở mức đáng báo động.

Đạo luật cải cách y tế, được Tổng thống Obama ban hành hồi năm 2010, theo đó mở rộng phạm vi bảo hiểm tới hầu hết những người dân Mỹ cũng được đánh giá là một thay đổi lớn trong xã hội Mỹ trong hơn 40 năm qua.

Tuy nhiên, kết quả bầu cử tại Mỹ lại không tác động đáng kể tới các thị trường trên thế giới, thậm chí đồng USD đã đồng loạt sụt giá so với cả đồng euro và đồng yen Nhật Bản trong phiên giao dịch 7/11 này.

Đêm trước (6/11), Phố Wall tiếp tục đi lên ngay khi nước Mỹ chính thức bước vào cuộc bầu cử Tổng thống. Tại cuộc bầu cử quan trọng này, vấn đề kinh tế vẫn là mối quan tâm chính của cử tri Mỹ, tác động đáng kể tới quyết định bỏ phiếu của người dân.

Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng mạnh 133,24 điểm, tương đương 1,02%, lên 13.245,68 điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 cũng ghi thêm 11,13 điểm (0,79%), lên 1.428,39 điểm; còn chỉ số công nghệ Nasdaq cũng tiến thêm 12,27 điểm, đóng cửa ở mức 3.011,93 điểm.

Cùng ngày, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các sàn giao dịch chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt đảo chiều khởi sắc nhờ báo cáo lợi nhuận đáng khích lệ của một số doanh nghiệp trong khu vực, cũng như tâm lý hứng khởi của giới đầu tư trước khi kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ được hé lộ.

Kết thúc phiên này, tại London, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 0,79%, lên 5.884,9 điểm. Trong khi chỉ số CAC 40 của Pháp cũng ghi thêm 0,87%, lên 3.478,66 điểm, còn tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX 30 tăng 0,70%, chốt ở mức 7.377,76 điểm./.

Minh Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục