Chứng khoán châu Á trượt dài vì nợ công của Mỹ

Chứng khoán châu Á trượt dài trước nỗi lo về việc Quốc hội Mỹ sễ không thể đạt được một thỏa thuận cuối cùng về vấn đề nâng trần nợ.
Chứng khoán châu Á trượt dài trong phiên giao dịch cuối tuần 29/7 (cũng là phiên cuối cùng của tháng Bảy đen tối) trước nỗi lo ngày càng tăng về việc Quốc hội Mỹ sẽ không thể đạt được một thỏa thuận cuối cùng vào đúng hạn chót 2/8 tới về vấn đề nâng trần nợ nhằm tránh cho nền kinh tế lớn nhất thế giới khỏi bị vỡ nợ.

Thị trường càng thê thảm hơn khi có tin từ Washington cho hay, Hạ viện Mỹ đêm 28/7 đã thất bại trong cuộc biểu quyết có ý nghĩa quan trọng về kế hoạch nâng mức trần nợ công nhằm tránh nguy cơ vỡ nợ, do các nhà lãnh đạo của đảng Cộng hoà không thể thuyết phục được một số thành viên bảo thủ trong đảng nhằm đảm bảo hội đủ số phiếu cần thiết để ủng hộ kế hoạch này và họ đành phải chờ thêm một ngày để tổ chức một cuộc bỏ phiếu nữa về vấn đề trên.

Với hạn chót 2/8 đang ngày càng đến gần, trong bối cảnh Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố sắp cạn tiền, tất cả các thị trường trên toàn cầu đang hướng về Washington - nơi Nhà Trắng và hai đảng Cộng hòa, Dân chủ còn chưa đạt được thỏa thuận về kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách.

Trong bối cảnh u ám trên, các thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt chìm trong sắc đỏ. Tại Tokyo, chỉ số Nikkei-225 đóng cửa để mất 68,32 điểm (0,69%) xuống 9.833,03 điểm. Ngoài tin xấu từ Mỹ, chứng khoán Tokyo còn chịu áp lực từ những báo cáo lợi nhuận thất vọng của một số công ty niêm yết (trong đó có lợi nhuận của hãng Nintendo giảm mạnh), cùng việc đồng yen lên giá so với đồng USD khi thông tin trên đẩy đồng bạc xanh rơi xuống mức thấp kỷ lục mới (77,44 yen/USD).

Tuy nhiên, theo Yumi Nishimura, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Daiwa Securities (có trụ sở tại Tokyo), có vẻ như các nhà đầu tư vẫn chưa tháo chạy khỏi thị trường và chưa xuất hiện đà bán tháo cổ phiếu do vẫn còn vài ngày nữa mới đến hạn chót và hiện vẫn còn quá sớm để cho rằng mọi chuyện đã ở thế xấu nhất.

Cùng đỏ sàn trong phiên này còn có các thị trường lớn như Hong Kong, trượt 0,58% (-130,49 điểm) xuống 22.440,25 điểm; Trung Quốc mất 0,26% (-7,05 điểm) xuống 2.701,73 điểm; Sydney của Australia (mất 0,88%, tương đương với -39,2 điểm, xuống 4.424,6 điểm); Seoul của Hàn Quốc trượt 1,05% (22,64 điểm) xuống 2.133,21 điểm; Đài Loan bốc hơi 1,40%, tương đương 123,02 điểm, xuống 8.644,18 điểm; và New Zealand giảm 1,16 điểm. Duy chỉ có Manila của Philippines là "một mình một ngựa" đi lên khi tăng 0,46% lên 4.503,63 điểm.

Phần lớn các chuyên gia phân tích đều nhất trí rằng nếu nước Mỹ vỡ nợ, kinh tế toàn cầu sẽ hỗn loạn và khả năng sẽ xảy ra một cuộc khủng hoảng tương tự như cuộc khủng hoảng hồi năm 2008. Với việc chỉ còn 4 ngày nữa để có thỏa thuận cuối cùng, một số cho rằng có thể quyết định sẽ được đưa ra vào phút chót khi Nhà Trắng nói rằng họ tin tưởng "sự sáng suốt sẽ thắng thế tại Quốc hội và cuối cùng Quốc hội sẽ đạt được đồng thuận."

Đêm trước (28/7) tại Phố Wall, chứng khoán Mỹ cũng có một phiên biến động trái chiều do các nhà đầu tư có tâm lý chờ đợi quyết định cuối cùng của Quốc hội Mỹ về nâng trần nợ công.

Bộ Tài chính Mỹ nói rằng, nếu trần nợ 14,29 nghìn tỷ USD của nước Mỹ không được nâng lên vào ngày 2/8 tới thì nước Mỹ sẽ buộc phải tuyen bố vỡ nợ - một tình thế chắc chắn sẽ đẩy các thị trường tài chính vào sự hoảng loạn.

Cho tới cuối ngày 28/7 vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Hạ viện do đảng Cộng hòa nắm đa số ghế cùng với Thượng viện do đảng Dân chủ nắm quyền lãnh đạo, sẽ đạt được thỏa thuận về kế hoạch giảm trần nợ.

Scott Marcouiller, chiến lược gia về phân tích kỹ thuật thị trường thuộc Ban Tư vấn của ngân hàng Mỹ Wells Fargo bình luận: "Thị trường cần và muốn thấy những bằng chứng chắc chắn về khả năng đạt được một thỏa thuận."

Trong tình thế cấp bách này, lãnh đạo của hơn một chục ngân hàng và các công ty tài chính lớn của Phố Wall, trong đó có Citigroup, Bank of America và Goldman Sachs, đã gửi một bức thư ngỏ tới Tổng thống Barack Obama và Quốc hội Mỹ kêu gọi một giải pháp mau chóng.

Sau khi đi lên vào đầu phiên nhờ thông tin từ Bộ Lao động Mỹ cho biết lượng người thất nghiệp lần đầu trong tuần trước đã bất ngờ giảm xuống còn 398.000 người - mức thấp nhất trong gần 4 tháng qua và là lần đầu tiên kể từ đầu tháng Tư tới nay rơi xuống dưới con số 400.000 người, Phố Wall lại quay đầu đi xuống và chốt phiên 28/7, hai trong ba chỉ số chính bị sụt giảm, trong đó Dow Jones giảm 62,44 điểm (0,51%) xuống 12.240,11 điểm (phiên giảm điểm thứ 5 liên tiếp của chỉ số này); S&P 500 bốc hơi 4,22 điểm (0,32%) xuống 1.300,67 điểm. Chỉ có Nasdaq Composite là tăng nhẹ 1,46 điểm (0,05%) lên 2.766,25 điểm.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, chứng khoán châu Âu cũng trồi sụt trong phiên 28/7 với DAX của Đức mất 0,86% xuống 7.190,06 điểm; CAC 40 của Pháp trượt 0,57% xuống 3.712,66 điểm; trong khi FTSE 100 của Anh tăng 0,28% lên 5.873,21 điểm.

Các nhà đầu tư châu Âu, ngoài sức ép về triển vọng còn mù mịt của cuộc khủng hoảng nợ công của nước Mỹ, còn chứng kiến cảnh đồng euro lại quay đầu mất giá so với đồng USD sau khi hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor's tiếp tục hạ thêm bậc tín nhiệm của Hy Lạp./.

Thùy Chi (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục