Chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương đồng loạt lên điểm

Trong phiên giao dịch ngày 17/6, các thị trường chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương hầu hết đều lên điểm, với chỉ số MSCI ( trừ Nhật Bản) tăng 0,8%, nhờ đà phục hồi hơn 2% của chứng khoán Trung Quốc.
Chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương đồng loạt lên điểm ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Trong phiên giao dịch ngày 17/6, các thị trường chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương hầu hết đều lên điểm, với chỉ số MSCI ( trừ Nhật Bản) tăng 0,8%, nhờ đà phục hồi hơn 2% của chứng khoán Trung Quốc. Nhân tố chi phối chung các thị trường trong phiên này vẫn là cuộc họp dự kiến kết thúc vào cuối ngày của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite tăng 80,47 điểm (1,65%) lên 4.967,90 điểm, nhờ hoạt động mua vào của các nhà đầu tư sau hai phiên chỉ số này giảm tới 5,4%, do những lo ngại về 25 đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Tuần trước, chỉ số Shanghai Composite đã vọt lên mức cao nhất trong bảy năm. Cùng đà tăng với Đại lục, tại Hong Kong , chỉ số Hang Seng đóng phiên 17/6 tăng 187,09 điểm (0,7%) lên 26.753,79 điểm.

Cùng đà đi lên, tại Australia, chỉ số S&P/ASX200 tăng 59,6 điểm (1,08%) lên 5.595,4 điểm. Tại Hàn Quốc, chỉ số KOSPI tăng 6,14 điểm (0,3%) lên 2.034,86 điểm.

Tuy nhiên, tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Tokyo giảm 38,67 điểm (0,19%) xuống 20.219,27 điểm, trong bối cảnh các nhà đầu tư chờ đợi kết quả cuộc họp của Fed, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) và tiến triển trong cuộc đàm phán nợ của Hy Lạp.

Nhà kinh tế Akio Yoshino, thuộc Amundi Japan, cho rằng các nhà giao dịch đang chờ đợi nhiều chất “xúc tác” từ quyết sách tiếp theo của Fed, tình hình mới từ châu Âu cho tới chiến lược tăng trưởng của Nhật Bản. Theo sau một loạt số liệu tích cực về kinh tế Mỹ những tuần gần đây, các nhà đầu tư đang ngóng đợi một lịch trình rõ ràng hơn về thời điểm Fed sẽ nâng lãi suất.

BoJ cũng sẽ kết thúc cuộc họp vào cuối tuần này và dự kiến công bố về việc có tiếp tục mở rộng chương trình kích thích kinh tế hay không và thời điểm nếu tiếp tục.

Trong khi đó, tình hình tại Hy Lạp càng thêm rối ren khi Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tspras ngày 16/6 đổ lỗi cho các chủ nợ quốc tế đang “gây khó” quốc gia này, đồng thời kêu gọi châu Âu cân nhắc sự ủng hộ đối với các đề xuất cải cách cứng rắn từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Nhiều người tỏ ra lo ngại về khả năng vỡ nợ của Hy Lạp và tương lai nước này ra khỏi Khu vực đồng euro (Eurozone)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục