Chứng khoán khởi sắc nhờ thông tin từ Trung Quốc

Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á vẫn duy trì "sắc xanh" trong phiên giao dịch 2/9 nhờ các số liệu đáng khích lệ từ Trung Quốc.
Tiếp bước xu hướng đi lên từ cuối tuần trước, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á vẫn duy trì "sắc xanh" trong phiên giao dịch đầu tuần 2/9 nhờ các số liệu đáng khích lệ về hoạt động sản xuất của Trung Quốc cho thấy đà tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể sẽ chấm dứt trong thời gian tới.

Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 184,06 điểm, tương đương 1,37%, lên 13.572,92 điểm, bất chấp diễn biến ảm đạm của Phố Wall trong phiên cuối tuần trước.

Đồng USD đang hướng tới ngưỡng giao dịch 100 yen/USD khi tăng lên mức 98,60 yen/USD trong ngày giao dịch 2/9 này nhờ hoạt động săn lùng các tài sản rủi ro của giới đầu tư gia tăng đáng kể. Đây được cho là nhân tố chính đã giúp chỉ số Nikkei lên điểm trong phiên này bởi việc đồng yên xuống giá sẽ giúp cho các nhà xuất khẩu Nhật Bản giành được thế cạnh tranh lớn hơn so với các đối thủ nước ngoài.

Tại thị trường Sydney, chỉ số S&P/ASX200 của Australia cũng ghi thêm 53,5 điểm (1,03%), lên 5.188,3 điểm.

Tuy nhiên, tại thị trường Seoul, chỉ số Kospi của Hàn Quốc lại gần như không biến động đáng kể so với phiên trước đó khi hạ nhẹ 1,55 điểm và đóng cửa ở mức 1.924,81 điểm.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong cũng đồng loạt khép phiên với mức tăng sau khi Văn phòng Thống kê Quốc gia (NBS) của nước này công bố báo cáo cho hay chỉ số quản lý sức mua (PMI) - thước đo hoạt động chế tạo của Trung Quốc - đã tăng lên mức 51 trong tháng 8/2013 so với mức tương ứng 50,3 của tháng Bảy. Đây là tháng thứ hai liên tiếp, PMI của Trung Quốc gia tăng so với tháng trước đó và là mức cao nhất trong vòng 16 tháng qua.

Số liệu trên được đưa ra sau khi Trung Quốc cũng vừa đón nhận một vài thông tin kinh tế tích cực gần đây, cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể sắp bước qua giai đoạn tăng trưởng trì trệ, vốn kéo dài trong cả quý 1 và quý 2/2013.

Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đạt mức 7,8% trong năm 2012, mức thấp nhất kể từ năm 1999. Tuy nhiên, con số này đã giảm xuống 7,7% trong quý 1 năm nay, trước khi "tụt" xuống 7,5% trong quý 2, dấy lên lo ngại về những tác động từ sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc đối với nền kinh tế toàn cầu.

Báo cáo mới nhất từ NBS đã trấn an tâm lý của giới đầu tư và qua đó góp phần thúc đẩy sự đi lên của chứng khoán châu Á. Chốt phiên giao dịch đầu tiên của tháng 9, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng mạnh 443,97 điểm (2,04%), lên 22.175,34 điểm. Tuy nhiên, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải lại chỉ tăng khiêm tốn 0,07 điểm, đứng ở mức 2.098,45 điểm.

Một yếu tố khác cũng tác động tích cực tới thị trường chứng khoán châu Á trong phiên này đó là việc Chính phủ Mỹ quyết định hoãn lại kế hoạch tấn công quân sự vào Syria cho tới khi có sự phê chuẩn của Quốc hội.

Mặc dù Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố rằng Washington cần tấn công quân sự vào Syria do cáo buộc chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã sử dụng vũ khí hóa học trong một cuộc tấn công ở ngoại ô thủ đô Damascus hồi tuần trước, khiến hàng trăm dân thường thiệt mạng. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này cũng nhấn mạnh ông sẽ đề nghị Quốc hội bỏ phiếu để cho phép triển khai hành động quân sự chống Syria.

Thông tin trên được đưa ra chỉ một ngày trước khi Bộ trưởng Tài chính Vương quốc Anh George Osborne khẳng định rằng Chính phủ của Thủ tướng David Cameron không nghĩ đến việc đề nghị Hạ viện nước này bỏ phiếu một lần nữa đối với hành động quân sự chống Syria. Điều này đã phần nào làm an lòng giới đầu tư cổ phiếu và giúp thị trường khởi sắc dù cho những lo ngại về nguy cơ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm rút lại chương trình kích thích kinh tế hiện hành cũng hạn chế các hoạt động giao dịch.

Hiện nay, các nhà đầu tư đang dốn sự chú ý vào cuộc họp chính sách sắp tới của Fed./.

Minh Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục