Chứng khoán: Kỳ vọng hoàn thành sứ mệnh dẫn vốn

Bài học năm 2009 thị trường chứng khoán phục hồi mạnh mẽ nhờ tác động từ các gói kích thích kinh tế cả trong và ngoài nước. Nhưng sau đó sang đến 2010 và kéo dài cho tới hiện nay, khi dòng tiền “nóng” rút lui, thị trường chứng khoán ngay lập tức đã phải hứng chịu “bao trận đòn”.

Theo nhìn nhận chung, các chuyên gia vẫn khá thận trọng và không đặt quá nhiều kỳ vọng về triển vọng của thị trường chứng khoán trong năm. Thay vào đó là những khuyến cáo, cần thiết phải có sự thay đổi thực chất về chất lượng hàng hóa trên thị trường, để chứng khoán Việt Nam có thể phát huy chức năng dẫn vốn trung và dài hạn cho sản xuất, kinh doanh thay vì cứ lệ thuộc vào vốn tín dụng như bấy lâu.
Mặc dù bước sang năm Quý Tỵ nền kinh tế trong và ngoài nước vẫn còn bộn bề thách thức, tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể sẽ có cơ hội ấm lên.

Vào thời điểm này, hoạt động giao dịch trên thị trường cũng có những tiến triển đáng kể. Thị trường chứng khoán niêm yết bắt đầu lấy lại đà phục hồi và theo đó thanh khoản cũng được cải thiện.

Nằm trong dòng chảy

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), kinh tế vĩ mô trong nước sẽ ổn định hơn trong năm nay. Hiện Việt Nam đã bước vào thời kỳ thặng dư cán cân thanh toán ngoại tệ và tiến tới là khả năng thặng dư cán cân thương mại.

Trên thị trường chứng khoán, các cơ quan quản lý hiện cũng đã đưa ra những giải pháp tháo gỡ khá tiến bộ và phù hợp với sự đòi hỏi cấp thiết của thị trường cũng như trong tương lai. Điều này sẽ tạo ra môi trường thuận lợi và công bằng hơn đối với các đối tượng đầu tư trên thị trường.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Phan Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Quỹ Dragon Capital tin tưởng, các giải pháp mạnh tay từ Bộ Tài chính và Ủy Ban chứng khoán Nhà nước trong thời gian qua đã đi đúng hướng và phần nào mang lại niềm tin cho giới đầu tư. Bằng chứng cho thấy là đà hồi phục vừa qua của thị trường.

Ngoài ra, ông Hải cũng nhìn nhận có một số tín hiệu sáng khác, đó là làn sóng đầu tư chiến lược nước ngoài, đặc biệt là dòng vốn trong khối ASEAN cũng đang có xu hướng tiến vào Việt Nam.

Trong các đánh giá về triển vọng kinh tế toàn cầu gần đây, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế cũng dự báo, việc các nền kinh tế lớn đua nhau đưa ra các chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ tạo ra khuynh hướng dòng tiền “nóng” chảy về khu vực các nền kinh tế mới nổi và Việt Nam là một trong những nước nằm trong dòng chảy đó.

Song ông Tuấn nhấn mạnh, vẫn còn quá sớm để kỳ vọng vào điều này. Việt Nam vẫn cần có những cố gắng hơn nữa trong việc đưa ra biện phát thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Bởi các nền kinh tế trong khu vực như Philippines, Thái Lan, Indonesia… vẫn được đánh giá là hút vốn mạnh hơn so với Việt Nam.

Hơn nữa, vui mừng là thế song các chuyên gia kinh tế đồng thời đưa ra khuyến cáo về tính hai mặt của dòng tiền này, đặc tính của nó lúc đến thì ồ ạt và khi rút ra cũng rất nhanh chóng. Bên cạnh đó, kinh nghiệm của các nhà đầu tư nước ngoài tại các thị trường mới nổi là rất dày dạn, các nhà đầu tư trong nước không dễ dàng mà vượt qua.

Bài học trước đó, năm 2009 thị trường chứng khoán phục hồi mạnh mẽ nhờ tác động từ các gói kích thích kinh tế cả trong và ngoài nước. Nhưng sau đó sang đến 2010 và kéo dài cho tới hiện nay, khi dòng tiền “nóng” rút lui, thị trường chứng khoán ngay lập tức đã phải hứng chịu “bao trận đòn”.

Theo nhìn nhận chung, các chuyên gia vẫn khá thận trọng và không đặt quá nhiều kỳ vọng về triển vọng của thị trường chứng khoán trong năm. Thay vào đó là những khuyến cáo, cần thiết phải có sự thay đổi thực chất về chất lượng hàng hóa trên thị trường, để chứng khoán Việt Nam có thể phát huy chức năng dẫn vốn trung và dài hạn cho sản xuất, kinh doanh thay vì cứ lệ thuộc vào vốn tín dụng như bấy lâu.

Gốc nằm ở chất lượng hàng hóa

Quan sát bức tranh tổng thể của nền kinh tế trong nước cũng như toàn cầu, có thể nhận thấy chặng đường tiếp theo còn rất khá nhiều thách thức đối với doanh nghiệp đại chúng cũng như nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Băng Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (HoSE: GIL), Phó chủ tịch Câu lạc bộ Các công ty niêm yết  cho rằng, năm nay cũng sẽ là một năm sóng gió cho các doanh nghiệp niêm yết và câu hỏi lớn tiếp tục được đặt ra, thị trường chứng khoán có thể trở về là kênh huy động vốn cho sản xuất, kinh doanh.

Ông Tâm thẳng thắn chỉ ra, không thể chỉ đổ lỗi cho bối cảnh “chợ chiều” giá hàng loạt mã chứng khoán lao dốc và về dưới mệnh giá, nhà đầu tư “lạnh nhạt” với thị trường khiến “giấc mơ” huy động vốn mới của doanh nghiệp còn rất xa vời. Mà bên cạnh những tác động tiêu cực từ thị trường, bản thân doanh nghiệp cũng chưa thực sự cầu thị và “sòng phẳng” với các nhà đầu tư của mình.

“Nhà đầu tư đã mất quá nhiều niềm tin vào thị trường, do cơ chế huy động vốn hiện nay còn bất cập, đặc biệt là khâu giám sát quá trình sử dụng vốn (như tình trạng doanh nghiệp vừa huy động vốn xong lại quay ra mua cổ phiếu quỹ…), bên cạnh đó hiệu quả sử dụng vốn vào các dự án vẫn còn quá thấp,” ông Tâm nói.

Về điều này Ủy ban chứng khoán cũng đã ghi nhận, giai đoạn đầu thị trường chứng khoán phát hành, niêm yết đã phát triển theo chiều rộng. Đến khi thị trường hoạt động có khó khăn đã bộc lộ những hạn chế. Các vấn đề quản trị công ty, công bố thông tin, quản trị rủi ro tuân thủ còn hạn chế, chất lượng báo cáo tài chính kiểm toán còn chưa cao. Vi phạm thông tin, vi phạm về gian lận trong các báo cáo, hồ sơ vẫn còn tồn tại trên thị trường...

Ngoài yếu tố chất lượng hàng hóa trên thị trường, môi trường đầu tư cũng quyết định mối quan tâm của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược.

Ông Phan Minh Tuấn khẳn định, cái khó của chứng khoán Việt Nam còn nằm ở vấn đề môi trường vĩ mô. Để đầu tư chiến lược dài hạn, các nhà đầu tư nước ngoài muốn thấy những chính sách điều hành rõ ràng hơn. Theo ông Tuấn, chính phủ cần khai thác chức năng huy động vốn cho doanh nghiệp từ thị trường chứng khoán, không nên kéo dài tình trạng quá phụ thuộc vào ngân hàng như hiện nay. Mà muốn làm được điều này, thì công việc cổ phần hóa phải làm thực chất hơn.

“Theo tôi, cổ phần hóa phải là chương trình của Chính phủ, có mục tiêu và lộ trình rõ ràng chứ không nên chờ đợi kế hoạch trình lên từ doanh nghiệp. Khi các tập đoàn, tổng công ty tự đưa ra các đề xuất tái cơ cấu, cổ phần hóa thì trước hết họ phải bảo vệ quyền lợi của tập đoàn cũng như lợi ích của các nhóm thành phần hơn là hướng tới khả năng cạnh tranh.

Muốn thu hút được vốn vào thị trường chứng khoán, chính sách phải cởi mở, điều kiện đầu tư của các thành phần tư nhân, nước ngoài và nhà nước phải như nhau,” ông Tuấn nhấn mạnh./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục