Chứng khoán Mỹ có một tuần tăng điểm khiêm tốn

Bất chấp số liệu việc làm không mấy khả quan trong tháng 7, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn ghi nhận một tuần tăng điểm khiêm tốn.
Trải qua một tuần bận rộn với hàng loạt các báo cáo kinh tế quan trọng, thị trường chứng khoán Mỹ trồi sụt thất thường trong gần như cả năm ngày giao dịch với sự giằng co của các thông tin trái chiều.

Dù vậy, bất chấp số liệu việc làm không mấy khả quan trong tháng 7/2013, Phố Wall vẫn xác lập các mức cao kỷ lục trong phiên cuối tuần và ghi nhận một tuần tăng điểm khiêm tốn.

Mở đầu tuần (ngày 29/7), các chỉ số chứng khoán chủ chốt của thị trường Mỹ đồng loạt đi xuống, do các nhà đầu tư tỏ ra khá thận trọng khi đưa ra những quyết định kinh doanh khi mà cuộc họp chính sách của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và báo cáo việc làm hàng tháng của Mỹ vẫn là một ẩn số lớn.

Thêm vào đó, các số liệu quan trọng khác dự kiến được tung ra vào tuần như tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 2/2013 và giá nhà ở tại Mỹ, cũng hạn chế hoạt động đầu tư cổ phiếu.

Tuy nhiên, xu hướng tăng giảm trái chiều lại diễn ra trong hai phiên giao dịch liền sau đó, giữa bối cảnh xuất hiện các chỉ số tốt, xấu đan xen từ kinh tế Mỹ.

Mặc dù chỉ số lòng tin tiêu dùng đã bất ngờ giảm từ mức 82,1 của tháng 6/2013 xuống còn 80,3 trong tháng Bảy, song chỉ số giá nhà Case-Shiller trong tháng 5/2013, xét trên 20 thành phố lớn nhất nước Mỹ, lại tăng 12,2% so với một năm trước đó.

Đáng chú ý là trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng Bảy, công bố của Fed sau cuộc họp chính sách mới nhất không gây nhiều bất ngờ cho giới đầu tư và càng khiến không khí tại Phố Wall thêm phần ảm đạm.

Kinh tế Mỹ trong quý 2/2013 tăng trưởng 1,7%, cao hơn mức 1,1% theo dự báo của giới chuyên gia. Tuy nhiên, tăng trưởng trong quý 1 lại bị điều chỉnh giảm khá mạnh, hiện chỉ ước đạt 1,1%, thay cho mức 1,8% đưa ra trước đó.

Fed cũng cam kết sẽ tiếp tục duy trì chương trình kích thích kinh tế thông qua gói nới lỏng định lượng (QE3) hiện hành, song không đưa ra thời gian cụ thể cho việc giảm dần quy mô của chương trình này.

Art Hogan, Giám đốc điều hành Lazard Capital Markets, nhận định rằng tuyên bố của Fed mang tính "chủ hòa" và cho thấy thể chế tài chính này có thể sẽ nghiêng về khả năng ngừng dần quy mô của QE3 vào tháng 12/2013 thay vì vào tháng Chín như hàm ý trước đó.

Trong hai phiên giao dịch cuối cùng của tuần (ngày 1-2/8), thị trường chứng khoán Mỹ đồng loạt khởi sắc và lần lượt xác lập các mức cao kỷ lục mới, sau khi Viện Quản lý nguồn cung Mỹ cho biết hoạt động công nghiệp trong tháng Bảy tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2011, và cao hơn dự đoán của giới chuyên gia.

Trong khi đó, hoạt động chế tạo tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng lần đầu tiên kể từ tháng 7/2011 tăng trưởng trở lại trong tháng Bảy vừa qua. Kết quả này củng cố thêm niềm lạc quan vào triển vọng Eurozone có thể sẽ sớm thoát khỏi suy thoái.

Ngoài ra, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi ngày 1/8 cũng truyền lửa thêm cho thị trường khi ông cam kết tiếp tục giữ các tỷ lệ lãi suất ở mức thấp, thậm chí có thể còn thấp hơn, để tiếp sức cho sự phục hồi của các nền kinh tế trong khu vực.

Trong ngày giao dịch cuối cùng của tuần (2/8), thông tin được thị trường nóng lòng chờ đón trong suốt nhiều ngày qua là số liệu việc làm ở khu vực phi nông nghiệp của Mỹ đã được Bộ Lao động nước này công bố.

Tuy nhiên, báo cáo này lại gây thất vọng cho giới đầu tư, khi cho thấy nền kinh tế số một thế giới chỉ tạo thêm 162.000 việc làm trong tháng 7/2013, thấp hơn so dự đoán của giới phân tích là 175.000 việc làm, song tỷ lệ thất nghiệp trong cùng kỳ lại giảm xuống 7,4%, thấp hơn mức tương ứng 7,6% ghi nhận trong tháng Sáu và là mức thấp nhất kể từ tháng 12/2008.

Số liệu trái chiều này đã làm đồng USD bất ngờ tụt giá, nhưng nó lại có thể khiến Fed thận trọng hơn trong việc rút lại gói kích thích kinh tế khổng lồ, qua đó giúp các chỉ số chứng khoán Phố Wall tiếp tục chứng kiến một phiên giao dịch tràn “sắc xanh” vào cuối tuần.

Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 30,34 điểm, tương đương 0,19%, lên 15.658,36 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng ghi thêm 2,8 điểm (0,16%), lên 1.709,67 điểm. Trong khi chỉ số Nasdaq tiến 13,84 điểm (0,38%), đóng cửa ở mức 3.689,59 điểm.

Tính chung cả tuần, Dow Jones tăng 99,53 điểm (0,63%), S&P 500 và Nasdaq lần lượt tăng 18,02 điểm và 76,43 điểm, tương đương 18,02% và 2,12%.

Tính đến thời điểm này, mùa công bố kết quả kinh doanh của khối doanh nghiệp Mỹ đã sắp kết thúc với kết quả khả quan từ phần lớn các công ty. Tuy vậy, triển vọng của một số doanh nghiệp không được đánh giá cao do kinh tế Trung Quốc, thị trường nhập khẩu chính của các doanh nghiệp này đang chững lại./.

Minh Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục