Chứng khoán Mỹ xuống thấp nhất kể từ 1997

Chỉ số của nhiều loại chứng khoán mạnh giao dịch trên thị trường Phố Wall trong phiên giao dịch ngày 23/2 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1997.

Chỉ số của nhiều loại chứng khoán mạnh giao dịch trên thị trường Phố Wall trong phiên giao dịch ngày 23/2 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1997.

Nguyên nhân là các nhà đầu tư lo ngại khi các cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính Mỹ thông báo rằng trong tuần này họ sẽ phát động một chương trình cứu trợ những ngân hàng có vấn đề, theo đó sẽ tăng sở hữu của chính phủ trong các định chế tài chính, chứ không đổ thêm tiền vào các định chế này.
 
Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones hạ 250,89 điểm xuống 7.114,78 điểm, chỉ cao hơn mức thấp nhất 6.971,32 điểm của ngày 28/10/1997. Chỉ số Standard & Poor's 500 giảm 26,72 điểm xuống 743,33 điểm, so với 737,65 điểm của ngày 11/4/1997.
 
Chỉ số của các loại cổ phiếu mạnh như Nasdaq composite, Russell 2000, Hewlett-Packard Co., Intel Corp., General Electric Co., và Alcoa Inc. đồng loạt giảm mạnh, ít nhất là giảm 3% so với phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước. Chứng khoán của các công ty công nghệ cũng giảm khi báo chí Mỹ thông tin rằng Giám đốc điều hành mới của Yahoo Inc. có kế hoạch tổ chức lại công ty theo hướng giảm nhân công và giảm giờ làm việc. Tuần trước, các loại chứng khoán lớn cũng mất khoảng 6% điểm.
 
Các nhà phân tích thị trường cho rằng mặc dù cuối tuần trước, các quan chức cấp cao khẳng định chính phủ Mỹ không muốn quốc hữu hóa các ngân hàng, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn lo ngại khả năng này vì các ngân hàng vẫn lỗ nặng do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Hơn nữa, Phố Wall bị choáng với thông tin mà "Nhật báo phố Wall" đưa ra trước phiên giao dịch đầu tuần là Citigroup đang đàm phán với chính phủ để tăng tỷ lệ cổ phiếu phổ thông mà chính phủ sẽ nắm giữ lên tới 40% chứ không phải 25-30%.
 
Ông Keith Springer, Chủ tịch công ty Dịch vụ Tư vấn Tài chính, nói: "Cái lớn nhất mà tôi thấy tại thị trường này là sự bi quan lạ thường. Chính phủ đang cố giảm sự lo sợ của dân chúng, nhưng đó chỉ là việc làm mang tính lời nói nhiều hơn".
 
Các nhà phân tích cho rằng chính phủ Mỹ phải sớm thông báo chi tiết kế hoạch, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ngân hàng hiện nay vì theo ông Quincy Krosby, trưởng nhóm phân tích chiến lược đầu tư của công ty The Hartford, "lời tuyên bố thiếu rõ ràng của chính phủ đang làm hại tâm lý thị trường"./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục