Chứng khoán Phố Wall, châu Á biến động trái chiều

Sau một tuần giao dịch thất vọng, chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tuần mới với các mức tăng giảm thất thường.
Sau khi trải qua một tuần giao dịch đáng thất vọng, chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tuần mới vào ngày 16/4 với các mức tăng giảm thất thường, khi mà doanh số bán lẻ tại Mỹ trong tháng 3 vừa qua đã tăng cao hơn dự kiến của giới đầu tư, song chỉ số ngành chế tạo tại bang New York lại bất ngờ giảm mạnh, trong khi những lo ngại về khủng hoảng nợ tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lại đang có xu hướng “leo thang.”

Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 71,82 điểm, tương đương 0,56%, đóng cửa ở mức 12.921,41 điểm. Tuy nhiên, chỉ số S&P 500 giảm không đáng kể 0,69 điểm (0,05%), xuống 1.369,57 điểm; còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng mất 22,93 điểm (0,76%), xuống 2.988,40 điểm.

Cả ba chỉ số chứng khoán chính của Phố Wall đều mở cửa phiên giao dịch 16/4 với “sắc xanh”, tuy nhiên, chỉ có chỉ số Dow Jones duy trì được đà tăng này sau khi Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo cho hay doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 3/2012 đã tăng 0,8%, cao hơn mức tăng của tháng 2 và vượt xa so với dự báo của giới phân tích tài chính đưa ra trước đó. Cổ phiếu của tập đoàn Procter & Gamble (P&G) nhờ vậy đã tiến thêm 1,5%, trong khi giá cổ phiếu của tập đoàn bán lẻ Wall-Mart tăng vọt tới 1,4%.

Trong khi đó, việc giá cổ phiếu của tập đoàn Apple “tụt” 4,2% xuống còn 580,13 USD/cổ phiếu, do hoạt động bán tháo chốt lời của giới đầu tư, khi mã cổ phiếu này đạt mức tăng ngoạn mục 43% tính từ đầu năm 2012 tới nay, đã khiến chỉ số Nasdaq Composite mất điểm. Thêm vào đó, lãi suất trái phiếu Chính phủ Tây Ban Nha tăng mạnh, cũng như hoạt động sản xuất yếu kém tại bang New York đã tiếp tục thổi bùng những lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu và sự phục hồi mong manh của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo số liệu mới nhất từ Chính phủ Mỹ, chỉ số sản xuất của bang New York đã hạ từ mức 20,2 trong tháng 3/2012 xuống còn 6,6 trong tháng 4. Trong khi đó, ngày 16/4 cũng đánh dấu là lần đầu tiên kể từ đầu tháng 12/2011, lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm của Tây Ban Nha tăng vọt qua mốc 6%. Tây Ban Nha cũng thừa nhận rằng kinh tế nước này đã rơi vào cuộc suy thoái thứ hai kể từ năm 2009.

Cũng trong phiên giao dịch 17/4, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Âu lại đảo chiều đi lên, nhờ những thông tin tích cực về doanh số bán lẻ Mỹ. Kết thúc phiên giao dịch này, tại London, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 0,26%, lên 5.666,28 điểm; chỉ số CAC 40 của Pháp cũng “nhích” thêm 0,51%, lên 3.205,28 điểm. Trong khi đó, tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX ghi thêm 0,51%, chốt ở mức 6.625,19 điểm.

Sang tới đầu phiên giao dịch ngày 17/4, thị trường chứng khoán châu Á cũng biến động bất nhất, do bị phân tán bởi các thông tin kinh tế trái chiều từ Mỹ và Eurozone. Mở cửa phiên này, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng nhẹ 5,51 điểm (0,06%), lên 9.476,15 điểm.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong cũng khai phiên với hai xu hướng trái ngược nhau. Chỉ số Shanghai Composite gần như không thay đổi so với phiên trước đó, chỉ tăng nhẹ 0,88 điểm (0,04%), lên 2.357,90 điểm. Còn chỉ số Hang Seng lại mất 12,77 điểm (0,06%), xuống 20.597,87 điểm./.

Minh Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục