Đồng loạt chuyển sắc xanh

Chứng khoán tại châu Á đồng loạt chuyển sắc xanh

Các sàn giao dịch chứng khoán châu Á khởi sắc trước dự đoán FED sẽ kích hoạt đợt nới lỏng có định lượng mới để vực dậy kinh tế Mỹ.
Trong phiên giao dịch ngày 12/9, các sàn giao dịch chứng khoán châu Á đồng loạt khởi sắc, trước khi cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) diễn ra với dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế rằng thể chế tài chính này sẽ kích hoạt đợt nới lỏng có định lượng mới (QE3) nhằm vực dậy nền kinh tế Mỹ.

Ngoài ra, nhận định lạc quan mới đây của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo về triển vọng tăng trưởng kinh tế của nước này cũng góp phần hỗ trợ đà tăng của thị trường cổ phiếu châu Á.

Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng mạnh 152,58 điểm (1,73%), lên 8.959,96 điểm.

Bên cạnh tác động tích cực của các nhân tố bên ngoài, thị trường chứng khoán Nhật Bản còn lấy được động lực đi lên nhờ báo cáo mới đây của Chính phủ cho biết số đơn đặt hàng máy móc của Nhật Bản trong tháng 7/2012 đã tăng tới 4,6%, vượt xa dự báo của thị trường là chỉ tăng 1,4%.

Tại thị trường Seoul của Hàn Quốc, chỉ số Kospi cũng tăng 30,03 điểm (1,56%), chốt ở mức 1.950,03 điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P/ASX200 của Australia cũng ghi thêm 35,5 điểm (0,82%), lên 4.361,3 điểm.

Không nằm ngoài xu hướng trên, tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong cũng đồng loạt đổi “sắc xanh,” khi những kỳ vọng về gói QE3 của FED ngày càng mạnh lên trước cuộc họp chính sách vào cuối ngày.

Thêm vào đó, trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ngày 11/9 ở Thiên Tân, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nhận định rằng kinh tế nước này đang có dấu hiệu ổn định và có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5% năm 2012.

Thông tin này đã khiến giới đầu tư vững tâm hơn về triển vọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhất là sau khi Chính phủ Trung Quốc vừa công bố các số liệu mới cho thấy các ngân hàng nước này đã cho vay mới 703,9 tỷ NDT (111 tỷ USD) trong tháng 8/2012, tăng mạnh từ mức 540 tỷ NDT vào tháng Bảy.

Khép lại phiên này, chỉ số Shanghai Composite và Hang Seng lần lượt tăng 6 điểm (0,28%) và 217,51 điểm (1,1%), lên 2.126,55 điểm và 20.075,39 điểm.

Đêm trước (11/9), các chỉ số chứng khoán Phố Wall cũng đảo chiều đi lên, nhờ các số liệu kinh tế tích cực của Mỹ và những hy vọng của giới đầu tư vào khả năng FED sẽ đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế mới sau cuộc họp sắp tới.

Ngoài ra, tâm lý lạc quan về việc Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức sẽ chung tay giúp giải quyết tình hình khó khăn tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng là nhân tố hỗ trợ thị trường cổ phiếu Mỹ.

Chốt phiên này, chỉ số Dow Jones tăng 69,07 điểm, tương đương 0,52%, lên 13.323,36 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng tăng 4,48 điểm (0,31%), đứng ở mức 1.433,56 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite chỉ “nhích” nhẹ 0,5 điểm (0,02%), lên 3.104,53 điểm.

Sau khi trải qua phiên giao dịch đầu tuần ảm đạm, Phố Wall đã quay đầu khởi sắc trong ngày 11/9, do thị trường đã đón nhận một số thông tin tốt lành về kinh tế Mỹ, đáng chú ý là việc thâm hụt thương mại của nước này trong tháng 8/2012 thấp hơn dự kiến và chỉ số lòng tin của các doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ cũng được cải thiện đáng kể.

Khi cuộc họp chính sách của FED đang cận kề thì những hy vọng của giới đầu tư về khả năng thể chế tài chính này sẽ triển khai đợt nới lỏng có định lượng mới (QE3) cũng được đẩy lên cao hơn.

Giới phân tích cho rằng nếu hy vọng này trở thành hiện thực thì sự phục hồi vốn còn èo uột của kinh tế Mỹ sẽ được cải thiện và các thị trường hàng hóa toàn cầu cũng sẽ sôi động hơn. Thêm vào đó, quyết định của Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức, dự kiến được đưa ra ngày 12/9, về việc Đức có thể tham gia và đóng góp vào Quỹ cứu trợ châu Âu hay không, cũng thu hút không ít sự quan tâm của giới đầu tư cổ phiếu.

Tuy nhiên, đa số vẫn tin rằng nền kinh tế đầu tàu châu Âu này sẽ góp phần vào kế hoạch đối phó với khủng hoảng nợ công khu vực của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Cũng trong phiên này, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu lại biến động bất nhất, do tâm lý của các nhà kinh doanh bị giằng xé giữa một bên là hy vọng cuộc khủng nợ châu Âu sẽ được đẩy lùi sau quyết định tái khởi động chương trình thu mua trái phiếu của ECB, còn một bên là mối lo ngại Đức sẽ không tham gia vào kế hoạch giải cứu khu vực này.

Kết thúc phiên, tại London, chỉ số FTSE 100 (Anh) giảm nhẹ 0,02% xuống 5.792,19 điểm. Tại Paris, chỉ số CAC 40 lại tăng 0,89%, lên 3.537,30 điểm, trong khi tại sàn giao dịch Frankfurt của Đức, chỉ số DAX 30 cũng ghi thêm 1,34% lên 7.310,11 điểm./.

Minh Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục