Chứng khoán tại châu Á phục hồi nhờ Trung Quốc

Chứng khoán châu Á đã đảo chiều đi lên trong phiên giao dịch ngày 8/8 nhờ các số liệu thương mại tốt hơn dự kiến của Trung Quốc.
Bất chấp chứng khoán Mỹ đêm qua (7/8) sụt giảm phiên thứ ba liên tiếp, chứng khoán châu Á phần lớn đã đảo chiều đi lên trong phiên giao dịch ngày 8/8 nhờ các số liệu thương mại tốt hơn dự kiến của Trung Quốc. Riêng chứng khoán Nhật Bản sau khi quay đầu phục hồi vào lúc đầu phiên đã đảo chiều giảm mạnh và chỉ số Nikkei 225 kết thúc lao dốc tới 1,59%.

Theo các số liệu chính thức vừa được Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GAC) công bố, kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong tháng Bảy đã tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2012, đạt 186 tỷ USD, trong khi đó nhập khẩu tăng 10,9% lên 168,2 tỷ USD.

Những kết quả này đều vượt so với dự kiến của giới chuyên gia kinh tế và đánh dấu sự phục hồi trong thương mại hai chiều của Trung Quốc, sau khi kim ngạch xuất, nhập khẩu đều sụt giảm trong tháng Sáu vừa qua. Tuy nhiên, do nhập khẩu có tốc độ tăng cao hơn so với xuất khẩu nên thặng dư thương mại của Trung Quốc trong tháng Bảy chỉ đạt 17,8 tỷ USD, giảm 29,6% so với cùng kỳ năm trước.

Theo GAC, tính tổng thể, kim ngạch xuất, nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng Bảy tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn một chút so với mục tiêu tăng trưởng 8% năm nay nhưng "cho thấy xu hướng ổn định và phục hồi."

Alaistair Chan, chuyên gia của hãng xếp hạng tín nhiệm Moody, nhận định những số liệu trên là tốt "đáng kinh ngạc" nhưng cũng cảnh báo rằng không nên quá lạc quan bởi kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc tăng cao hơn mức mong đợi. Cũng theo chuyên gia này, tình hình tồi tệ nhất có thể đã qua đi và vì vậy đà phục hồi sẽ gặp nhiều thuận lợi.

Tuy nhiên, số liệu đáng khích lệ trên vẫn không "bẻ ngoặt" được xu hướng giảm trên thị trường chứng khoán Trung Quốc khi kết thúc phiên giao dịch hôm nay, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải vẫn để mất nhẹ 1,88 điểm xuống 2.044,90 điểm.

Tương tự tại thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 vẫn tiếp tục rơi và chốt phiên mất 1,59% (219,38 điểm) xuống 13.605,56 điểm, chủ yếu do nhà đầu tư vẫn lo ngại về "số phận" mong manh của gói kích thích tăng trưởng của FED.

Cùng giảm điểm với hai thị trường này là chứng khoán Đài Loan với mức giảm nhẹ 0,17%.

Các thị trường khác trong khu vực lại tràn ngập sắc xanh, trong đó chỉ số Hang Seng của Hong Kong tiến 0,31% ( 67,04 điểm) lên 21.655,88 điểm; Australia và Hàn Quốc tăng lần lượt là 1,07% và 0,3%.

Đêm trước (7/8), chứng khoán Phố Wall tiếp tục có phiên trượt giảm thứ ba liên tiếp với thanh khoản èo uột do nhà đầu tư chủ yếu đứng ngoài thị trường vì chưa rõ được xu hướng giao dịch. Tâm lý nghỉ ngơi có vẻ chiếm lĩnh thị trường sau một đợt tăng dài ngày vừa qua và trước khi đón nhận các số liệu kinh tế mới.

Đóng cửa phiên này, cả ba chỉ số chủ chốt của Phố Wall đều giảm điểm, trong đó Dow Jones Industrial Average mất 48,07 điểm (0,31%) về 15.470,67 điểm; S&P 500 lùi 6,46 điểm (0,38%) về 1.690,91 điểm trong khi Nasdaq Composite giảm 11,76 điểm (0,32%) xuống 3.654,01 điểm.

Cùng ngày ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chứng khoán châu Âu biến động trái chiều trong bối cảnh các thị trường lo ngại về khả năng FED có thể sớm rút lại chương trình kích thích kinh tế hiện nay.

Đóng cửa phiên 7/8, chỉ số FTSE 100 của Anh trượt mạnh 1,41% xuống 6.511,21 điểm; DAX 30 của Đức mất 0,47% xuống 8.260,48 điểm. Tuy nhiên, tại Pháp, chỉ số CAC 40 lại ngược chiều tăng nhẹ 0,15% lên 4.038,49 điểm.

Trong phiên này, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) vẫn là tâm điểm chú ý sau khi ngân hàng này công bố có có sự thay đổi lớn về chính sách, lần này tập trung vào hai mục tiêu là thất nghiệp và lạm phát. Tân Thống đốc BoE Mark Carney mới đây cho biết tỷ lệ lãi suất cơ bản có thể sẽ không thay đổi từ mức thấp 0,5% cho đến khi nào tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức 7%. Theo dự báo của BoE, trong vòng ba năm tới, tỷ lệ thất nghiệp khó mà giảm mạnh được như vậy./.

Thùy Chi (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục