Chứng khoán toàn cầu biến động không đồng nhất

Chứng khoán châu Á và Mỹ biến động không đồng nhất sau phiên tăng mạnh liền trước do những số liệu kinh tế từ châu Âu và Trung Quốc.
Chứng khoán châu Á đã tăng giảm thất thường vào lúc mở cửa phiên giao dịch ngày 3/5, với màu đỏ nhẹ trên thị trường chứng khoán Trung Quốc trong khi sàn chứng khoán Hong Kong lại tăng nhẹ.

Mở cửa phiên 3/5, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải lùi nhẹ 0,10%, tương đương mất 2,35 điểm về 2.436,08 điểm, khi các nhà đầu tư có tâm lý tạm nghỉ "lấy hơi" sau phiên tăng mạnh 1,76% của ngày hôm trước (2/5).

Trong phiên 2/5, chứng khoán Trung Quốc đã có mức tăng ngoạn mục, nhờ thông tin làm nức lòng giới đầu tư là hoạt động công nghiệp và chế tạo trong tháng Tư của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này tăng lên mức cao nhất trong 13 tháng qua.

Trong khi đó, tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng mở cửa phiên 3/5 lại tăng nhẹ 0,45% (+95,03 điểm) lên 21.214,05 điểm.

Đêm trước (2/5) tại Phố Wall, chứng khoán Mỹ cũng biến động không đồng nhất sau phiên tăng mạnh liền trước do những số liệu kinh tế nghèo nàn từ châu Âu và tăng trưởng việc làm yếu ớt trong lĩnh vực tư nhân của Mỹ.

Trong tháng 4/2012, khối doanh nghiệp tư nhân của Mỹ chỉ tạo thêm được 119.000 việc làm mới, làm dấy lên những lo ngại mới về tình hình sức khỏe của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Đóng cửa phiên 2/5, Dow Jones Industrial Average giảm nhẹ 10,75 điểm (-0,08%) về 13.268,57 điểm; S&P 500 mất 3,51 điểm (-0,25%) xuống 1.402,31 điểm, trong khi Nasdaq ngược chiều đi lên, tăng 9,41 điểm (+0,31%) lên 3.059,85 điểm.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, chứng khoán châu Âu cùng ngày cũng tăng giảm trái chiều trong bối cảnh thị trường đón nhận những số liệu kinh tế yếu kém trong khu vực.

Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực Eurozone trong tháng Ba đã tăng lên mức cao kỷ lục mới 10,9%, riêng tại Tây Ban Nha tỷ lệ này lên đến 24,1%.

Thị trường lao động Đức cũng tiếp tục suy giảm do cuộc khủng hoảng nợ trong khu vực.

Kết quả một cuộc khảo cứu mới còn cho thấy hoạt động công nghiệp của khu vực Eurozone đã suy giảm sang tháng thứ 9, và các chuyên gia kinh tế đang kêu gọi các nhà lãnh đạo trong khu vực nên đưa ra các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế thay vì quá chú trọng vào các biện pháp thắt lưng buộc bụng hiện tại.

Đóng cửa phiên 2/5, chỉ số FTSE 100 của London giảm 0,93% xuống 5.758,11 điểm; DAX 30 của Đức mất 0,75% xuống 6.710,77 điểm, trong khi CAC-40 của Pari tăng 0,42% lên 3.226,33 điểm./.

Thùy Chi (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục