Chứng khoán toàn cầu đồng loạt tăng điểm

Thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm là do các nhà đầu tư được khích lệ bởi các kết quả báo cáo kinh doanh khả quan của các công ty.
Thị trường chứng khoán châu Á trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 23/10 đã đồng loạt khởi sắc.

Nguyên nhân thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm là do các nhà đầu tư được khích lệ bởi các kết quả báo cáo kinh doanh khả quan của các công ty từ Mỹ đến châu Á, trong khi đồng USD lại trượt xuống mức giá thấp nhất trong 14 tháng qua sau khi một quan chức của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho biết Mỹ có thể tiếp tục duy trì lãi suất ở mức thấp.

Chứng khoán Trung Quốc có phiên tăng điểm mạnh khi các nhà phân tích dự báo lĩnh vực xuất khẩu của nước này có thể tăng mạnh trong quý IV.

Chỉ số Shanghai Composite Index, bao gồm các cổ phiếu hạng A và B đóng cửa tăng 56,44% lên 3.107,85 điểm, trong khi chỉ số Shanghai A ghi thêm 59,35 điểm (1,85%) lên 3.261,633 điểm.

Tại Hàn Quốc, báo cáo lợi nhuận quý III kỷ lục của hãng chế tạo ôtô lớn thứ 2 Hàn Quốc Kia Motors Corp cùng thông báo có lãi lần đầu tiên sau 7 quý liên tiếp thua lỗ của Hynix Semiconductor Inc, nhà sản xuất chíp bộ nhớ lớn thứ hai thế giới, đã góp phần lớn đưa chỉ số KOSPI của nước này ghi thêm 9,84 điểm (0,06%) lên mức đóng cửa 1.640,17 điểm.

Tại Hongkong, chỉ số Hang Seng tăng 1,71% (379,21 điểm) lên 22.589,73 điểm, trong đó có sự đóng góp lớn của cổ phiếu ngân hàng HSBC, sau công bố của ngân hàng này vào ngày 22/10 cho biết sẽ tăng gần gấp đôi cổ phần của HSBC tại Tổng công ty Tài chính và Bảo hiểm Việt Nam Bảo Việt, tiếp tục chính sách phát triển tại các thị trường đang nổi.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei-225 tăng 15,82 điểm lên 10.282,99 điểm. Các thị trường khác như Đài Loan, Australia, New Zealand và Philipppines cũng đều tăng điểm với các mức tăng lần lượt là 0,97%, 0,41% và 1,53%.

Các thị trường chứng khoán châu Âu cũng mở cửa phiên cuối tuần với màu xanh trên hầu khắp các sàn chủ chốt của khu vực.

Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 22/10, thị trường chứng khoán Mỹ cũng đã tăng mạnh, chủ yếu do các kết quả kinh doanh quý III khả quan của các công ty, át bớt tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư trước số liệu về lượng người thất nghiệp mới tại Mỹ đã bất ngờ tăng trong tuần trước.

Đóng cửa phiên giao dịch, cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều tăng điểm, trong đó tăng mạnh nhất là Dow Jones Industrial Average với 131,95 điểm (+1,33%) lên 10.081,31 điểm, lấy lại những gì đã để mất ở phiên hôm trước. Tiếp đến là Standard & Poor's 500 với 11,51 điểm (1,06%) lên 1.092,91 điểm và Nasdaq tăng nhẹ hơn 14,56 điểm (0,68%) lên 2.165,29 điểm.

Vào đầu phiên, thị trường đã khởi động khá yếu do các nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi số liệu mới công bố về lượng người thất nghiệp mới tại Mỹ bất ngờ tăng trong tuần trước sau hai tuần giảm liên tiếp. Tuy nhiên, thị trường đã mau chóng phục hồi và đi lên sau khi có nhiều báo cáo về các kết quả kinh doanh tốt hơn dự kiến trong quý III.

Các nhà phân tích cho rằng các báo cáo kết quả kinh doanh tốt hơn dự kiến đã khẳng định xu hướng hồi phục vững chắc của nền kinh tế Mỹ. Cao điểm của mùa báo cáo quý III sẽ còn kéo dài đến hết tuần tới và sẽ kết thúc vào tháng 11.

Trong số các công ty công bố lợi nhuận cao hơn dự kiến, có tập đoàn đồ ăn nhanh McDonald's (cổ phiếu tăng 2,01% lên 59,50 USD/cổ phiếu), hãng dược phẩm khổng lồ Merck (cổ phiếu tăng 0,58% lên 32,87 USD), hãng điện thoại AT&T (cổ phiếu tăng 0,62% lên 26,10 USD), hãng bảo hiểm Travelers (tăng 7,66% lên 51,70 USD/cổ phiếu) và tập đoàn chế tạo 3M (tăng 3,22% lên 78,79 USD/cổ phiếu).

Cổ phiếu của Microsoft cũng tăng 0,04% lên 26,59 USD sau khi hãng này tung ra hệ thống điều hành đầu tiên của mình trong vòng 3 năm qua là Windows 7.

Ngược lại với Phố Wall, chứng khoán châu Âu cùng ngày đóng cửa giảm điểm tại phần lớn các sàn chủ chốt trong khu vực, một phần do các nhà đầu tư lo ngại về tình hình sức khỏe kinh tế toàn cầu sau khi một vài số liệu tăng trưởng cơ bản của Trung Quốc không đạt như kỳ vọng.

Mặt khác, việc đồng euro tăng mạnh thời gian gần đây, trong đó trong phiên ngày 21/10 đã tăng lên mức cao nhất trong 14 tháng qua và vượt ngưỡng quan trọng 1,50 USD/EURO, đã khiến giới đầu tư lo rằng sẽ ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu của khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), trong khi xuất khẩu là động lực chính cho tăng trưởng của khu vực này.

Tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý III/09 tuy đạt 8,9% nhưng vẫn thấp hơn mức dự báo trước đó là 9,1%, và các nhà phân tích bình luận rằng nền kinh tế Trung Quốc hiện đã tăng trưởng vừa đủ và Bắc Kinh có thể sẽ bắt đầu rút dần một số kế hoạch kích thích tăng trưởng - vốn vẫn bị xem như là một con dao hai lưỡi đối với các nền kinh tế.

Trong khi đó, một số nhà đầu tư vẫn lo ngại trước quan điểm của một số chuyên gia phân tích cho rằng phần lớn các kết quả kinh doanh khả quan của các công ty Mỹ là do được hưởng lợi từ gói kích cầu của chính phủ và chính sách cắt giảm việc làm, chứ không phải là do tăng trưởng trong ngành nghề kinh doanh của họ.

Đóng cửa ngày 22/10, cả ba sàn chính của châu Âu đều giảm điểm, trong đó FTSE 100 của London giảm 0,96%, CAC 40 của Pháp mất 1,35% xuống 3.8290,85 điểm và DAX của Đức giảm 1,21% xuống 5.762,93 điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục