Chứng nhận Dứa Tân Lập có quy trình sản xuất tốt

Sở Khoa học-Công nghệ Tiền Giang đã chứng nhận quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi an toàn cho dứa Tân Lập.
Ngày 25/9, Sở Khoa học-Công nghệ tỉnh Tiền Giang tổ chức lễ công bố đăng bạ quốc gia Chỉ dẫn địa lý xoài cát Hòa Lộc và chứng nhận quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi an toàn tại Việt Nam (VietGAP) cho dứa Tân Lập.

Đây là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của Việt Nam được chứng nhận VietGAP.

Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng 3 (Bộ Khoa học-Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận phù hợp qui trình VietGAP cho 22 hộ xã viên của Hợp tác xã nông nghiệp Quyết Thắng (Tân Phước) với diện tích 30ha dứa.

Ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Tiền Giang cho biết, để được chứng nhận VietGAP, Hợp tác xã nông nghiệp Quyết Thắng phải thực hiện 38 yêu cầu, nông dân phải thực hiện 103 yêu cầu khắt khe về sản xuất và hệ thống quản lý chất lượng theo lộ trình mà ngành chức năng đưa ra.

Bên cạnh chứng nhận VietGAP cho dứa Tân Lập, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học-Công nghệ) cũng cấp văn bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý số 00016 cho giống xoài cát Hòa Lộc, sản phẩm trái cây đầu tiên của Đồng bằng sông Cửu Long được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Xoài cát Hòa Lộc có địa chỉ khu vực địa lý thuộc 13 xã: Hòa Hưng, An Hữu, An Thái Trung, Tân Hưng, Tân Thanh, Mỹ Lương, An Thái Đông, Mỹ Đức Tây, Mỹ Đức Đông, Thiện Trí, Hòa Khánh, Hậu Thành, Mỹ Lợi A thuộc huyện Cái Bè (Tiền Giang).

Tính chất đặc thù về điều kiện địa lý và chỉ tiêu chất lượng sản phẩm được mô tả, qui định chi tiết, ghi nhận cụ thể trong văn bằng bảo hộ độc quyền Chỉ dẫn địa lý xoài cát Hòa Lộc.

Hiện nay, ở Việt Nam có gần 50 giống xoài, trong đó xoài cát Hòa Lộc chất lượng ngon nhất, giá trị xuất khẩu cao.

Việc được cấp văn bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý nhằm mục đích bảo vệ giá trị đặc sản nông nghiệp của địa phương, nâng cao giá trị và lợi ích cho cộng đồng, bảo đảm tính pháp lý trong quan hệ thương mại./.

(TTXVNVietnam+)

Tin cùng chuyên mục