“Chứng quyền có bảo đảm” sôi động trước thời điểm niêm yết

Trong những ngày gần đây, giới đầu tư trong nước đang khá háo hức chờ đón ngày Chứng quyền có bảo đảm (CW) chính thức được niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Khách hàng giao dịch tại sàn giao dịch BVSC. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Khách hàng giao dịch tại sàn giao dịch BVSC. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Trong những ngày gần đây, giới đầu tư trong nước đang khá háo hức chờ đón ngày Chứng quyền có bảo đảm (CW) chính thức được niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Sản phẩm mới này được đánh giá là công cụ đầu tư có tính linh hoạt cao, phù hợp với nhu cầu của nhiều nhà đầu tư do chi phí thấp, giá trị thiệt hại tối đa được cố định. Tuy nhiên, với mô tả “lãi vô hạn, lỗ giới hạn,” chứng quyền có bảo đảm có thật sự “dễ ăn” như kỳ vọng?

Sôi động trước niêm yết

Tại Nghị định 60/2015/CP-NĐ của Chính phủ được ký ban hành vào ngày 26/06/2015 về chứng khoán, chứng quyền có bảo đảm được định nghĩa là chứng khoán có tài sản đảm bảo do công ty chứng khoán phát hành.

Nhà đầu tư sẽ trả một khoản phí (premium) để sở hữu chứng quyền và được quyền mua hoặc bán chứng khoán cơ sở cho tổ chức phát hành chứng quyền đó theo mức giá đã được xác định trước, tại hoặc trước thời điểm đã được ấn định, hoặc được nhận khoản tiền chênh lệch giữa giá thực hiện và giá chứng khoán cơ sở tại thời điểm thực hiện.

Theo thông tin từ Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, sau thành công của đợt phát hành chứng quyền lần đầu (IPO) với chứng quyền MBB (mã cổ phiếu của Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội), từ ngày 26-28/6, Công ty này tiếp tục phát hành thêm 5 mã chứng quyền dựa trên 3 mã chứng khoán cơ sở HPG, FPT và MWG.

Cụ thể, chứng quyền HPG (mã cổ phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát) kỳ hạn 3 tháng và 6 tháng, Chứng quyền FPT (mã cổ phiếu của Công ty cổ phần) kỳ hạn 3 tháng và 6 tháng, chứng quyền MWG (Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động) kỳ hạn 6 tháng với tổng số lượng 5 triệu chứng quyền.

Đây là đợt phát hành chứng quyền thứ 2 của SSI. Trước đó, trong đợt phát hành lần đầu tiên ngày 13-14/6 vừa qua, SSI đã phát hành chứng quyền MBB với số lượng phát hành 3 triệu chứng quyền, kỳ hạn 3 tháng.

Đáng chú ý, kết thúc đợt chào bán của SSI, số lượng đăng ký hợp lệ đạt hơn 6,4 triệu đơn vị, gấp đôi số lượng chào bán, với 270 khách hàng tham gia chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân.

[Sản phẩm Chứng quyền có bảo đảm sẽ được giao dịch vào ngày 28/6]

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong đợt đầu phát hành chứng quyền có bảo đảm, đơn vị này đã cấp giấy chứng nhận chào bán cho 16 sản phẩm chứng quyền của 7 công ty chứng khoán.

Theo phương án chào bán, tổng số CW chào bán là 28,9 triệu chứng quyền với tổng giá trị tối đa 104 tỷ đồng; trong đó, có 4 sản phẩm CW đã phân phối hết 100% khối lượng cho các nhà đầu tư. Hầu hết người mua đều là các nhà đầu tư cá nhân.

Những kết quả trên cho thấy, CW đang là sản phẩm có sức hấp dẫn rất lớn đối với các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Tại các sàn giao dịch chứng khoán, CW cũng là từ khóa được các nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất.

Theo ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, việc triển khai CW giúp các nhà đầu tư không chỉ phòng ngừa được rủi ro thị trường như các hợp đồng tương lai chỉ số trên thị trường phái sinh hiện đang được giao dịch mà còn có thể phòng ngừa được rủi ro đặc thù của từng loại chứng khoán.

Ngoài ra, các CW thường có thời gian đáo hạn dài hơn nhiều so với các sản phẩm chứng khoán phái sinh nên phù hợp với các nhà đầu tư có nhu cầu phòng ngừa rủi ro cho các danh mục đầu tư có tính dài hạn. Đây cũng là một công cụ đầu tư có tính linh hoạt cao, phù hợp với nhu cầu của nhiều nhà đầu tư do chi phí đầu tư thấp, giá trị thiệt hại tối đa được cố định.

Tìm hiểu cơ hội

Các chuyên gia cho rằng, CW có thể trở thành công cụ hữu hiệu giúp gia tăng lợi nhuận đầu tư và phòng ngừa rủi ro, nếu nhà đầu tư có kiến thức để sử dụng sản phẩm theo những cách đúng đắn. Do vậy, các nhà đầu tư trước khi quyết định tham gia vào sân chơi mới này cần phải hiểu đầy đủ điểm lợi và hại của CW, không nên chỉ nghe một hướng hay nhận tư vấn một chiều.

Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, trong bối cảnh thị trường vẫn trong giai đoạn trầm lắng mà CW chỉ có chứng quyền mua sẽ khó thu hút các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, hiện phí chứng quyền và tỷ lệ chuyển đổi hoàn toàn đều do các công ty chứng khoán tự công bố. Các công ty phát hành chứng quyền lại hơi “cẩn thận” nên phí chứng quyền và giá để nhà đầu tư hòa vốn còn khá cao. Trong khi đó, những cổ phiếu trong rổ VN30 lại quá an toàn nên mức độ tăng giảm yếu, có thể không đủ lợi nhuận cho các nhà đầu tư khi tham gia.

“Chứng quyền có bảo đảm” sôi động trước thời điểm niêm yết ảnh 1Khách hàng đến giao dịch tại BSC. (Nguồn: CTV)

Tuy nhiên, bù lại sản phẩm này vẫn có điểm “hot” là CW phù hợp với cả những nhà đầu tư có ít tiền và những người nhiều tiền muốn gia tăng thêm khối tài sản của mình. Nếu mở rộng thêm ngoài rổ VN30 và có sự tham gia của nhiều cổ phiếu với mức phí được tính toán hợp lý hơn nữa khi đó sự hấp dẫn của sản phẩm mới này sẽ tăng lên rất nhiều.

Dù có nhiều ưu điểm, thế nhưng ngay cả Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng xác nhận CW vẫn luôn tiềm ẩn những rủi ro nhất định mà các nhà đầu tư hay chính những tổ chức phát hành phải đối mặt. Đó là những rủi ro khi tổ chức phát hành bị mất khả năng thanh toán, thao túng giá chứng quyền và rủi ro thao túng giá chứng khoán cơ sở.

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, để hạn chế tác động của CW lên chỉ số VN30 hay chỉ số VN-Index, bà Nguyễn Thị Việt Hà, Ủy viên Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) cho biết, HOSE đã đưa ra hạn mức các công ty chứng khoán chỉ phát hành tối đa lượng chứng quyền bằng 10% số lượng tự do chuyển nhượng của mỗi cổ phiếu cơ sở.

Thêm vào đó, giá thanh toán cho CW khi đến ngày đáo hạn là giá bình quân giao dịch của cổ phiếu cơ sở 5 phiên liền kề trước với quy trình giám sát, chế tài xử phạt đối với giao dịch CW đều được thực hiện tương tự như cổ phiếu.

Ngoài ra, hiện phí chứng quyền và tỷ lệ chuyển đổi hoàn toàn do các công ty chứng khoán tự công bố. Để kiểm soát điều này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu các đơn vị phát hành phải công khai toàn bộ yếu tố tính giá cho nhà đầu tư biết.

Để hỗ trợ cho các nhà đầu tư, HOSE đã đưa ra công cụ tính giá CW trên website. Các nhà đầu tư sau khi điền đầy đủ các thông tin đầu vào sẽ có thể xem được kết quả để có thêm thông tin khi lựa chọn CW.

Về phía các công ty chứng khoán, các công ty cũng đã tổ chức các hội thảo, buổi nói chuyện chuyên đề về CW nhằm giúp khách hàng hiểu rõ hơn về sản phẩm mới này. Một số công ty, triển khai chương trình ưu đãi nhằm hỗ trợ nhà đầu tư làm quen với cách thức giao dịch CW.

Đơn cử như tại Maybank Kim Eng, tất cả các giao dịch CW của khách hàng sẽ được miễn phí giao dịch (không bao gồm phí phải trả cho Sở giao dịch) trong 3 tháng, kể từ ngày 28/6 đến hết ngày 28/9 tới.

Hơn nữa, các công ty chứng khoán cũng cần cập nhật các kiến thức cơ bản về CW trên website của mình để khách hàng có thể dễ dàng tra cứu mỗi khi cần...

Theo kế hoạch, ngày mai (28/6), CW sẽ chính thức được niêm yết và giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục