Thay đổi thói quen

Chung sức thay đổi thói quen sử dùng tiền mặt

Việc tung ra nhiều dịch vụ hướng tới mục tiêu thanh toán không tiền mặt của ngân hàng chưa đủ sức thay đổi thói quen của người tiêu dùng.
Trong vài năm trở lại đây, các ngân hàng thương mại cổ phần trên cả nước đã tung nhiều sản phẩm dịch vụ nhằm hướng tới mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt như Internet banking; mobile banking, thanh toán thẻ qua POS (điểm chấp nhận thẻ)...

Nhưng xem ra sự vào cuộc của một mình ngân hàng chưa đủ sức thay đổi thói quen cố hữu "nhìn tận mắt, sờ tận tay" của người tiêu dùng. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho rằng, để thay đổi thói quen này cần có sự vào cuộc của toàn xã hội.

83% thẻ ATM chỉ dùng để rút tiền mặt

Dù biết rằng thẻ ATM của mình có thể thanh toán được tại nhiều cửa hàng nhưng đã thành thói quen mỗi lần đi siêu thị, chị Hoa ở Hoàng Mai (Hà Nội) lại ra cây ATM gần nhà để rút tiền mua hàng. Đây chỉ là một ví dụ. Quan sát tại các siêu thị hiện nay, mặc dù đã được trang bị máy chấp nhận thẻ POS nhưng lượng người thanh toán bằng thẻ so với tiền mặt còn khá khiêm tốn.

Bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, hiện nay, trên toàn quốc 83% lượng thẻ ATM chỉ dùng cho mục đích rút tiền mặt. Thực tế cho thấy, việc sử dụng thẻ ATM để thanh toán tại các điểm bán hàng có đặt máy chấp nhận thẻ còn rất hạn chế. Hơn nữa, tỷ lệ thanh toán tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán ở Việt Nam còn tới 14% trong khi đó ở các nước trên thế giới vào khoảng từ 5-7%. Như vậy, so với các nước đây là một con số khá cao.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank) cho rằng, ở Việt Nam, thanh toán không dùng tiền mặt chưa phát triển mạnh do kênh thiết lập thanh toán còn hạn chế, nhiều đơn vị chưa thực sự mặn mà với việc đặt máy POS vì họ cho rằng làm như vậy sẽ phải chịu sự kiểm soát thông qua ngân hàng, của các cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, việc sử dụng dịch vụ thanh toán có liên quan đến công nghệ cũng chỉ mới tiếp cận được ở thanh thiếu niên và những người hiểu biết chút ít về công nghệ thông tin. Một điểm hạn chế nữa là thanh toán không dùng tiền mặt chưa phát triển rộng do dịch vụ bán hàng online quảng cáo sản phẩm hiện nay còn chưa thực sự tương xứng với túi tiền bỏ ra. Vô hình chung những vấn đề này đã khiến khách hàng quay lại với thói quen tiêu dùng cố hữu là sử dụng tiền mặt để thanh toán khi mua hàng.

Ông Tuấn cũng cho biết thêm, hiện nay, các ngân hàng đang từng bước phân khúc lại đối tượng, theo đó sẽ loại dần thẻ không phát sinh giao dịch. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho khách hàng trong việc thanh toán bằng thẻ, nhiều ngân hàng cũng đã có chương trình cộng tiền vào tài khoản cho khách hàng khi sử dụng thẻ để thanh toán.

5 yếu tố phát triển không dùng tiền mặt


Theo bà Dương Thu Hương, để thay đổi thói quen của người dân, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt cần 5 yếu tố là hạ tầng công nghệ; cơ chế, chính sách đồng bộ (miễn giảm thuế cho đơn vị chấp nhận thẻ POS...); sản phẩm dịch vụ phải phong phú; thông tin tuyên truyền sát với người sử dụng; đảm bảo bảo mật về thông tin cho khách hàng; trong đó, nhấn mạnh việc tuyên truyền phải đạt được mục tiêu khiến người sử dụng thấy thanh toán không dùng tiền mặt đơn giản như sử dụng một chiếc điện thoại di động.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng cũng cho rằng, việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt phải có một đề án tổng thể với sự phối hợp của nhiều ban, ngành liên quan như: Ngân hàng; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Tài Chính; Bộ Công Thương... Theo đó, mỗi bộ, ngành sẽ đảm nhận một mảng liên quan tới lĩnh vực của mình trong đề án.

Ông Phạm Anh Tuấn nhận định, trong thời gian qua các ngân hàng đã rất nỗ lực đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, kết quả thu được còn chưa tương xứng. Để tạo thói quen thanh toán bằng thẻ cho người dân, ngay bản thân các đơn vị trung gian cung cấp dịch vụ (đơn vị bán hàng qua mạng; kênh quảng cáo về sản phẩm) cũng cần phải nhận thức rõ và có trách nhiệm với vấn đề này. Đặc biệt, để phát triển được thanh toán không dùng tiền mặt cần sự tham gia của toàn xã hội, của các ban, ngành liên quan.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố chưa triển khai kết nối và thanh toán thẻ qua POS thực hiện việc kết nối liên thông giữa các liên minh thẻ và phát triển thanh toán thẻ qua POS trên địa bàn để đến cuối năm 2011 tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai kết nối liên thông, tạo thuận lợi cho việc thanh toán không dùng tiền mặt trên cả nước./.

Hải Yến (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục