Chung tay hành động để bảo vệ trẻ em khỏi bạo hành, xâm hại

Ở Việt Nam, tình trạng xâm hại trẻ em cũng có nguy cơ ngày càng tăng theo chiều hướng diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Chung tay hành động để bảo vệ trẻ em khỏi bạo hành, xâm hại ảnh 1Học sinh trường THCS Nghi Hương, thị xã Cửa Lò bày tỏ quan điểm khi bị xâm hại tình dục. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Thời gian qua, các phương tiện truyền thông đại chúng đã đề cập nhiều đến vấn nạn bạo hành, xâm hại trẻ em.

Các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc quyết liệt và mạnh mẽ. Về lâu dài vẫn phải có sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội để tạo ra môi trường thực sự an toàn cho trẻ em.

Ngày càng diễn biến phức tạp

Bạo lực, xâm hại trẻ em là một vấn nạn trên toàn cầu. Trên thế giới, ước tính có 120 triệu trẻ em gái và 73 triệu trẻ em trai là nạn nhân bị bạo lực tình dục, gần một tỷ trẻ em thường xuyên phải chịu hình phạt thể chất...

Có nghiên cứu chỉ ra rằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương là nơi có tỷ lệ bạo lực, xâm hại trẻ em cao trên thế giới. Ở Việt Nam, tình trạng xâm hại trẻ em cũng có nguy cơ ngày càng tăng theo chiều hướng diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Theo báo cáo điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ Việt Nam (báo cáo MICS) năm 2014 do Tổng cục Thống kê thực hiện, hơn 68% trẻ em dưới 15 tuổi đã phải chịu ít nhất một hình thức xử phạt về thể chất hoặc tâm lý, 3% phụ nữ đã bị xâm hại tình dục trước năm 15 tuổi.

Còn theo số liệu của Bộ Công an, mỗi năm có khoảng 1.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em được tố cáo. Nhiều chuyên gia cho rằng con số này trên thực tế phải cao hơn bởi nhiều nạn nhân chọn cách im lặng vì sợ, hoặc ngại tố cáo.

Trẻ em bị xâm hại gặp phải nhiều vấn đề gây ảnh hưởng tới sự phát triển, thậm chí hủy hoại cuộc sống của các em trong tương lai. Các em có nguy cơ cao bị trầm cảm, mắc phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần, có thể dẫn đến tự tử. Bên cạnh đó, gia đình và xã hội cũng bị ảnh hưởng...

Trẻ em dễ phải đối mặt với các hình thức xâm hại khác nhau, ở nhiều lứa tuổi và hoàn cảnh khác nhau. Đáng lo ngại hơn cả là việc trẻ có thể bị xâm hại ngay trong chính gia đình.

Nguyên nhân được cho là do nhận thức của gia đình, cộng đồng về vấn đề bảo vệ trẻ em còn hạn chế, chưa được coi trọng; pháp luật còn nhiều khoảng trống và chưa đủ sức răn đe hay do bất bình đẳng giới...

Nhận thức của các gia đình, cộng đồng về bảo vệ trẻ em hiện nay chưa đầy đủ và có phần bị xem nhẹ. Nhiều bậc cha mẹ coi việc đánh con là “bình thường”, là quyền của cha mẹ để dạy con.

Sự dồn nén tâm lý của người lớn, ảnh hưởng từ các chất kích thích như rượu, thuốc hoặc những khó khăn về kinh tế... đều dẫn đến bạo hành, xâm hại trẻ em. Bất bình đẳng giới tính cũng là nguyên nhân sâu xa dẫn tới bạo lực, xâm hại trẻ em.

Gia đình là môi trường nuôi dưỡng, giáo dục quan trọng với trẻ em bởi khi còn nhỏ trẻ em thường hay quan sát và bắt chước người lớn. Trẻ học cách đối xử với người khác bằng cách bắt chước hành vi của cha mẹ, người thân trong gia đình và hàng xóm.

Khi người xung quanh giải quyết vấn đề một cách ôn hòa thì trẻ sẽ học được cách giải quyết vấn đề theo hướng tích cực. Ngược lại, khi trẻ thấy những người xung quanh giải quyết vấn đề bằng bạo lực thì trẻ cũng sẽ học cách xử lý tình huống giống như vậy.

Nhận thức được tầm quan trọng của gia đình trong việc bảo vệ trẻ khỏi vấn nạn xâm hại, các cơ quan chức năng đã thực hiện Tháng hành động vì trẻ em từ nhiều năm nay.

Qua mỗi năm tổ chức, nhiều thông điệp đã được gửi tới cộng đồng, đặc biệt là các bậc phụ huynh nhấn mạnh việc tạo môi trường tràn ngập tình yêu thương cho con trẻ nhe: Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng, cùng nhau xây dựng môi trường an toàn để trẻ em không bị bạo lực, xâm hại...

[Trò chuyện với trẻ về "vùng kín" để phòng tránh xâm hại tình dục]

Tăng cường các chính sách bảo vệ trẻ

Nhiều chuyên gia cho rằng, hầu hết các hành vi xâm hại trẻ em đều diễn ra trong một thời gian dài và đi liền với việc dọa nạt, dụ dỗ trẻ em, làm cho trẻ không dám tố cáo.

Từ ngày 1/6, Luật trẻ em sẽ chính thức có hiệu lực. Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội Đào Hồng Lan cho biết: Luật trẻ em 2016 có nhiều điểm mới so với Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trước đây.

Trong đó, Luật trẻ em hiện nay tiếp cận trên cơ sở quyền trẻ em, kể cả trẻ em nói chung và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thay vì chỉ tiếp cận trên cơ sở các chính sách hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như trước.

Luật trẻ em cũng tiếp cận trên cơ sở, góc độ liên quan tới Công ước quốc tế về Quyền trẻ em mà Việt Nam đã cam kết tham gia. Việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em không chỉ áp dụng cho trẻ em ở Việt Nam mà trẻ em nước ngoài sống trên lãnh thổ Việt Nam cũng được bảo vệ.

Bên cạnh đó, quyền và nghĩa vụ của trẻ em cũng được quy định rõ trên cơ sở tiếp cận Hiến pháp năm 2013 về quy định quyền con người, quyền trẻ em.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan cũng cho biết thêm Luật cũng quy định rất rõ các quy trình bảo vệ trẻ em theo 3 cấp độ (phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp), từ khi phát hiện các vấn đề, tố cáo hành vi xâm hại trẻ em tới các quy trình hỗ trợ can thiệp; trách nhiệm của các bộ, ban ngành, đơn vị liên quan tới trẻ em...

Những quy định này là công cụ hữu hiệu giúp giảm thiểu tình trạng xâm hại trẻ em. Với những quy định rõ ràng, các đơn vị chức năng sẽ nắm được công việc cụ thể, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, tạo tính tự giác trong việc phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp khi có sự việc xâm hại trẻ em xảy ra.

Luật trẻ em có quy định thêm các quyền mới nhằm góp phần bảo vệ trẻ em khỏi hành vi xâm hại như: quyền bí mật đời sống riêng tư, quyền được bảo vệ trong tố tụng và xử lý vi phạm hành chính, quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục, bóc lột sức lao động, bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc, bị bắt cóc và mua bán, bảo vệ trên môi trường mạng...

Ngoài ra, Luật cũng quy định các hành vi bị cấm, trong đó có việc công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em, lợi dụng việc chăm sóc để xâm hại trẻ em, không cung cấp, che giấu, hoặc ngăn cản việc cung cấp thông tin về việc trẻ bị xâm hại...

Riêng với quyền bí mật đời sống riêng tư, Luật trẻ em quy định cấm việc công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em (tên, tuổi, ngày tháng năm sinh, trường học, địa chỉ...) khi chưa có sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và cha, mẹ hoặc người chăm sóc trẻ và không vì lợi ích tốt nhất của trẻ.

Cục trưởng Cục trẻ em Đặng Hoa Nam khuyến cáo các bậc cha mẹ nên cân nhắc khi phổ biến rộng rãi và chi tiết tin liên quan đến bí mật đời sống riêng tư của con em lên mạng xã hội. Bởi lẽ những thông tin này rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng, gây tổn hại đến trẻ, có thể gây hậu quả lâu dài.

Thêm vào đó, những thông tin xấu khi đã bị tung lên mạng rất khó để thu lại, gây ảnh hưởng cho trẻ trong suốt cuộc đời. Ông Đặng Hoa Nam cũng cho rằng: Luật trẻ em là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện các biện pháp phòng ngừa, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.

Cục trưởng Cục trẻ em Đặng Hoa Nam cũng đề nghị các cơ quan tư pháp khi xét xử những người có hành vi xâm hại trẻ em thì phải có tình tiết tăng nặng, đặc biệt với hành vi xâm hại trẻ khuyết tật, trẻ em tuổi càng nhỏ thì cần phải xử lý nghiêm hơn.

Trẻ em có quyền được sống trong môi trường không bạo lực, xâm hại và bóc lột. Để làm được điều đó, ngoài củng cố hệ thống bảo vệ trẻ em, các cấp các ngành cần đầu tư nhiều hơn vào công tác phòng ngừa, ngăn chặn chứ không chỉ xử lý sau khi điều xấu đã xảy ra.

Đội ngũ cán bộ bảo vệ trẻ em ở các cấp cần được nâng cao năng lực, xây dựng các dịch vụ bảo vệ trẻ em chuyên biệt như tư vấn tâm lý, bảo vệ trẻ em trong tố tụng...

Quan trọng hơn cả là các bậc cha mẹ, những người chứng kiến hoặc nghi ngờ có hành vi xâm hại trẻ em cần mạnh dạn tố cáo và hướng dẫn các em tố cáo tới các cơ quan chức năng hoặc qua tổng đài quốc gia về bảo vệ trẻ em 1800 1567 để tổng đài tiếp nhận, kết hợp với các cơ quan chức năng kịp thời xử lý, hỗ trợ các em./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục