Chung tay vì người nghèo

vnapotalla-1607223329-10.jpg

Nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo được các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện như khám, chữa bệnh miễn phí, hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo đã đem lại sự đổi thay rất tích cực đối với cuộc sống người dân đang gặp khó khăn.

“Nếu không có thẻ, có lẽ sẽ phải ôm bệnh suốt đời”

Cầm chiếc thẻ bảo hiểm y tế trên tay, anh Lầu A Say (thôn 6, xã Đắk R’Măng, huyện Đắk Glong, Đắk Nông) rưng rưng: “Cảm ơn Nhà nước nhiều lắm.”

Trong căn nhà gỗ tuềnh toàng, trống hơ, trống hoác không có tài sản gì đáng giá ngoài chiếc xe máy cà tàng đã vỡ hết yếm, mặt nạ, trơ ra chiếc khung với dây dợ lằng nhằng, gia đình anh Lầu A Say cũng khó khăn như nhiều hộ đồng bào nghèo người dân tộc H’mông di cư từ Lào Cai vào đây.

Giai đoạn 2016-2020, công chức, viên chức toàn ngành Bảo hiểm xã hội đã đóng góp hơn 8 tỷ đồng và mua 3.300 thẻ bảo hiểm y tế hỗ trợ hộ cận nghèo, hộ nông nghiệp và hộ chính sách.

Tháng 2/2019, anh bị tai nạn ngã xe máy, nằm viện 15 ngày ở huyện Đắk Glong. Tiếp đến tháng 7/2019, con trai anh – cháu Lầu A Phương – trong khi đi mua kẹo lại bị xe đâm gãy xương chân, phải nằm 20 ngày tại bệnh viện ở Đắk Nông. Chiếc thẻ bảo hiểm trở thành cứu cánh cho gia đình anh trong lúc nguy nan.

Trao đổi với chúng tôi, anh Lầu A Say cũng không biết chi phí điều trị trong thời gian nằm viện của mình và con hết bao nhiêu tiền, nhưng anh hiểu là chi phí rất lớn, ngoài khả năng của gia đình. Bởi, ngoài tiền viện phí được Nhà nước chi trả hoàn toàn và được hỗ trợ tiền ăn với mức hơn 20.000 đồng/ngày, anh chỉ phải chi trả các phụ phí sinh hoạt cá nhân mà đã khá tốn, phải cần đến sự hỗ trợ của người thân.

Bác sỹ khám bệnh cho học sinh có thẻ bảo hiểm y tế tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)
Bác sỹ khám bệnh cho học sinh có thẻ bảo hiểm y tế tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

“Bác sỹ bảo không có bảo hiểm y tế thì cái chân mình mổ thế này phải có 20-25 triệu đồng mới mổ được. Bác sỹ bảo mình có bảo hiểm thì không mất gì. Có cái thẻ bảo hiểm không mất đồng nào đi mua thuốc, có Nhà nước lo,” anh Lầu A Say chia sẻ.

Di cư vào Đắk Nông từ năm 2015, anh được Nhà nước cấp ngay thẻ bảo hiểm y tế. Mỗi khi ho, sốt, đau đầu, anh lại đến trạm y tế xin thuốc. Riêng năm 2020, anh đã 3 lần đến trạm y tế xã và Trung tâm Y tế huyện để lấy thuốc chữa bệnh.

Thời gian ở Lào Cai, anh cũng được cấp thẻ bảo hiểm y tế và sử dụng thẻ này để đi mổ 2 lần ở Lào Cai, 1 lần ở Hà Nội, mọi chi phí đều được Nhà nước chi trả.Còn anh Hoàng A Vàng (thôn 6, xã Đắk R’Măng, huyện Đắk Glong) vào Đắk Nông từ năm 2004, đến năm 2008 anh được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế. May mắn chưa phải nằm viện lần nào, ốm sơ sơ chỉ cần qua khám và lấy thuốc ở trạm xá, nhưng con dâu anh khi sinh nở tại bệnh viện huyện Đắk Glong được quỹ bảo hiểm y tế chi trả hoàn toàn cũng đỡ cho gia đình anh một gánh nặng không nhỏ.

Hội Phụ nữ xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) triển khai phong trào “Biến rác thải thành thẻ Bảo hiểm y tế.” Sau khi phân loại rác thải, phế liệu tại gia đình, các chị em phụ nữ đem nộp cho Hội phụ nữ xã Nghi Thạch bán lấy tiền mua thẻ Bảo hiểm y tế tặng cho các gia đình khó khăn. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)
Hội Phụ nữ xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) triển khai phong trào “Biến rác thải thành thẻ Bảo hiểm y tế.” Sau khi phân loại rác thải, phế liệu tại gia đình, các chị em phụ nữ đem nộp cho Hội phụ nữ xã Nghi Thạch bán lấy tiền mua thẻ Bảo hiểm y tế tặng cho các gia đình khó khăn. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

“Rất cảm ơn Nhà nước, Bảo hiểm xã hội cho chúng tôi cái thẻ. Người không bị gì thì không sao, nhưng không may bị ốm đau thì cũng không mất tiền, có bảo hiểm sẽ được Nhà nước chi trả,” anh Hoàng A Vàng thật thà.

Anh cho biết, em trai anh có con nhỏ 2 tuổi bị ung thư máu, phải điều trị tại Thành phố Hồ Chí Minh. Từ đầu năm đến nay, cháu bé nằm viện liên miên, hầu hết thời gian là ở viện, “Nếu không có thẻ bảo hiểm y tế thì em trai không bao giờ có số tiền đó để mà đi chữa bệnh cho con nó.”

Đoàn viên thanh Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh tặng thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, người già neo đơn trong Tháng Thanh niên. (Ảnh: Thanh Vũ/ TTXVN)
Đoàn viên thanh Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh tặng thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, người già neo đơn trong Tháng Thanh niên. (Ảnh: Thanh Vũ/ TTXVN)

Không chỉ hộ đồng bào dân tộc thiểu số mà với các gia đình nghèo, chiếc thẻ bảo hiểm y tế cũng là “cứu cánh” đối với họ  khi chẳng may bị ốm đau.

Ông Ngô Văn Dung (50 tuổi) ở thôn Đắk R’Tăng, xã Quảng Tân, huyện Đắk R’Lấp là một ví dụ. Gia đình ông thuộc diện hộ nghèo, sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn, đã hai năm nay, ông phải vào bệnh viện chạy thận nhân tạo, mỗi tuần 3 lần, mỗi lần hết 800.000 đồng.

Nhờ có bảo hiểm y tế chi trả hoàn toàn nên ông yên tâm điều trị, nếu không có thẻ bảo hiểm y tế, ông nghĩ mình sẽ phải chịu ôm bệnh suốt đời vì không có tiền chạy chữa.

Bà Hoàng Thị Cầm (58 tuổi) ở thôn Gia Lâm, xã Ia Krê, huyện Đức Cơ, Gia Lai cũng vậy. Bị bệnh thận mãn, 6 tháng nay, bà thường xuyên phải vào viện chạy thận nhân tạo. Là con liệt sỹ, bà được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả 100% tiền điều trị. Bà cho biết, nếu không được Nhà nước chi trả, bà sẽ không có tiền để chạy thận hàng tháng.

Lễ trao tặng thẻ Bảo hiểm y tế cho người dân nghèo tại Đà Lạt, Lâm Đồng. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)
Lễ trao tặng thẻ Bảo hiểm y tế cho người dân nghèo tại Đà Lạt, Lâm Đồng. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Những hành động ý nghĩa

Thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau,” Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tăng cường phối hợp với Ban Chỉ đạo giảm nghèo tại địa phương, tích cực tham gia các chương trình, kế hoạch giảm nghèo.

Ngành xác định bảo đảm quyền lợi chăm sóc sức khỏe thông qua bảo hiểm y tế cho người nghèo, người thuộc hộ gia đình cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người thuộc diện chính sách xã hội… là giải pháp quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Giai đoạn 2016-2020, công chức, viên chức toàn ngành đã đóng góp hơn 8 tỷ đồng và mua 3.300 thẻ bảo hiểm y tế hỗ trợ hộ cận nghèo, hộ nông nghiệp và hộ chính sách.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức trao tặng 250 thẻ Bảo hiểm y tế cho người dân Phú Yên bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 9 vừa qua. (Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN)
Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức trao tặng 250 thẻ Bảo hiểm y tế cho người dân Phú Yên bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 9 vừa qua. (Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN)

Theo Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn, năm 2019, sau khi ban hành Kế hoạch số 1910/KH-BHXH về hỗ trợ mua tặng thẻ bảo hiểm y tế cho người có hoàn cảnh khó khăn và giúp đỡ bệnh nhân nghèo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn hệ thống Bảo hiểm xã hội và các cá nhân, tổ chức đã trao tặng 2.400 thẻ bảo hiểm y tế cho người có hoàn cảnh khó khăn trong cả nước, tương đương 1,8 tỷ đồng.

Có 11 tỉnh, thành phố kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp tặng 11.865 thẻ bảo hiểm y tế cho người cận nghèo, học sinh, sinh viên và người có hoàn cảnh khó khăn tại Kon Tum, Lâm Đồng, Cà Mau, Bình Phước, Đồng Tháp, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh…

Điều này đã góp phần giúp những người khó khăn có điều kiện tham gia bảo hiểm y tế và được bảo vệ bởi quỹ bảo hiểm y tế mỗi khi ốm đau, bệnh tật, tiếp tục nỗ lực thoát nghèo.

Các bác sỹ Bệnh viên đa khoa khu vực ATK huyện Yên Sơn, Tuyên Quang đang khám bệnh cho bệnh nhân. (Ảnh Quang Đán/TTXVN)
Các bác sỹ Bệnh viên đa khoa khu vực ATK huyện Yên Sơn, Tuyên Quang đang khám bệnh cho bệnh nhân. (Ảnh Quang Đán/TTXVN)

Ông Lê Hùng Sơn cho biết, hằng năm, bên cạnh đóng góp tiền mua tặng thẻ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo, hộ nông nghiệp và hộ chính sách, các công chức, viên chức toàn ngành còn tích cực tham gia và ủng hộ bằng hiện vật, xây nhà tặng người nghèo; mua quà tặng các gia đình chính sách, nuôi dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, tặng học bổng cho các học sinh nghèo, hỗ trợ mua vật dụng cho các xã nghèo; xây dựng đường; mua cây giống, con giống tặng các hộ nghèo…

Giai đoạn 2016-2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam huy động công chức, viên chức ủng hộ trên 41 tỷ đồng để giúp đỡ địa bàn nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ nghèo; trực tiếp giúp đỡ xây nhà mới hoặc phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân các địa phương đóng góp 3,3 tỷ đồng xây dựng nhà thay thế nhà dột nát cho 31 hộ nghèo.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương cho rằng, phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư, đóng góp tích cực trong nỗ lực giảm nghèo, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích trước mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm nghèo.

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020 giảm nhanh, từ 9,2% năm 2016 xuống dưới 3% vào năm 2020./.

Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam và chính quyền địa phương trao tặng 250 thẻ Bảo hiểm y tế cho người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 9 vừa qua. (Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN)
Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam và chính quyền địa phương trao tặng 250 thẻ Bảo hiểm y tế cho người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 9 vừa qua. (Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN)