"Chúng tôi không mạo hiểm, Đại học Quốc gia Hà Nội cứ tiên phong"

Ủng hộ phương án bài thi đánh gia năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội nhưng các trường đại học đều không áp dụng cho mùa tuyển sinh năm 2015 vì cho rằng có nhiều rủi ro.
"Chúng tôi không mạo hiểm, Đại học Quốc gia Hà Nội cứ tiên phong" ảnh 1Thí sinh trao đổi bài sau buổi thi đại học. (Ảnh: TTXVN)
 

Phương án bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội từng được lãnh đạo các trường đại học ủng hộ mạnh mẽ, nhưng phương án tuyển sinh năm 2015 chính thức được các trường công bố lại là sử dụng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia.

Trước đó, tại Hội nghị tham vấn Đổi mới tuyển sinh đại học, sau đại học theo hướng đánh giá năng lực: thực tiễn triển khai thí điểm ở Đại học Quốc gia Hà Nội do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 27/9, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phùng Xuân Nhạ đề xuất việc hình thành một nhóm trường tốp trên cùng tổ chức và sử dụng chung kết quả kỳ thi này để tuyển sinh.

Đề xuất này đã nhận được sự ủng hộ từ một số trường. Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội Nguyễn Trọng Giảng cho biết ông “rất thích đề án này” và cho rằng “có thể trong năm đầu tiên, các trường đại học nhóm trên thỏa thuận với nhau để thực hiện, khi làm tốt thì có thể nhân rộng.”

Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng Đoàn Quang Vinh cũng đánh giá “đề án rất thú vị” và đồng tình với việc hình thành nhóm trường thi riêng trong năm 2015. Hiệu trưởng Đại học Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Ngọc Thanh cũng khẳng định sẽ sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh vào trường.

Tuy nhiên, theo đề án tuyển sinh năm 2015 vừa được các trường này công bố, phương thức xét tuyển duy nhất là dựa trên Kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia.

Lý giải về sự lựa chọn này, Trưởng phòng Đào tạo một trường đại học không ngần ngại cho biết: “Ủng hộ là một chuyện, trên tinh thần ngoại giao và khích lệ, nhưng áp dụng chính thức lại là chuyện khác.”

"Chúng tôi không mạo hiểm, Đại học Quốc gia Hà Nội cứ tiên phong" ảnh 2Nhiều trường đại học chọn phương án chờ Đại học Quốc gia Hà Nội đi "tiên phong" trong bài thi đánh giá năng lực. (Ảnh: TTXVN)

Phân tích sâu hơn, vị lãnh đạo này cho rằng nếu tuyển sinh theo một phương thức khác biệt và hoàn toàn mới với thí sinh, trường sẽ đứng trước rất nhiều rủi ro. Đa số các trường sẽ tuyển theo Kỳ thi quốc gia, kỳ thi này có đổi mới nhưng không quá khác biệt như bài thi trên máy tính và thi đánh giá năng lực như phương án của Đại học Quốc gia Hà Nội. Vì thế, chắc chắn thí sinh sẽ chọn trường tuyển sinh theo Kỳ thi quốc gia để đăng ký.

Đó rõ ràng là giải pháp an toàn và cơ hội cũng rộng mở hơn cho các em. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nếu các trường tuyển sinh theo phương án của Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ đứng trước nguy cơ có nguồn tuyển hạn hẹp, chất lượng đầu vào vì thế sẽ bị ảnh hưởng.

Cũng theo phân tích của ông Trưởng phòng Đào tạo này, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức hai đợt vào tháng 5 và tháng 7. Tuy nhiên, ở kỳ thi tháng 5, khi đó thí sinh đang cao điểm ôn thi, các em sẽ ngại bỏ thời gian để lặn lội lên Hà Nội dự thi, nhất là khi kết quả chỉ để tuyển vào một trường, trừ khi các em đó thực sự có nguyện vọng vào Đại học Quốc gia Hà Nội. Ở kỳ thi tháng 7, có thể nhiều thí sinh dự thi nhưng đó lại là những em đã trượt đại học và thi để tìm thêm cơ hội, nghĩa là chất lượng thí sinh không cao.

Những lo ngại này cũng là chia sẻ của lãnh đạo nhiều trường như Đại học Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông… Khẳng định việc không áp dụng phương án thi của Đại học Quốc gia Hà Nội ngay từ đầu, giáo sư Lê Hữu Lập, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho rằng để thực hiện phương án trên các trường cần phải tính toán rất kỹ lưỡng. “Chúng tôi không thể mạo hiểm. Đại học Quốc gia Hà Nội cứ tiên phong, nếu có những tín hiệu tốt, có thể các năm sau sẽ có trường tham gia cùng,” ông Lập nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục