Chương trình 135 giúp người thiểu số thoát nghèo

Thực hiện Chương trình 135, tỉnh Hòa Bình đã đưa diện mạo khu vực nông thôn, miền núi thay đổi, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh xuống còn 13,87%.
Thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2 (2006-2010), tỉnh Hòa Bình đã tập trung ưu tiên đầu tư về cơ sở hạ tầng, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội một cách toàn diện cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Nhờ vậy, diện mạo khu vực nông thôn, miền núi, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều thay đổi, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm nhanh từ 31,31% (năm 2006) xuống còn 13,87% (năm 2010).

Trong giai đoạn này, 94 thôn, bản thuộc 39 xã vùng đặc biệt khó khăn trên 11 huyện, thành phố trong tỉnh được hỗ trợ phát triển kinh tế, sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo cán bộ cơ sở và cộng đồng, hỗ trợ phát triển dịch vụ và nâng cao đời sống nhân dân với tổng mức đầu tư 506,4 tỷ đồng.

Kết thúc Chương trình, đến nay, 11/39 xã hoàn thành mục tiêu chương trình 135 giai đoạn 2, trong đó có 6 xã của huyện Kim Bôi và 5 xã của các huyện Lương Sơn, Lạc Thủy, Cao Phong; 70% số hộ đạt mức thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/năm; 100% xã có đường giao thông cho xe cơ giới; 100% xã có trường học và có trạm y tế đạt chuẩn, 80% số hộ được sử dụng điện, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 78 công trình thủy lợi được xây dựng mới và nâng cấp tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất, ổn định đời sống.

Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ giống cây con, vật nuôi, vật tư sản xuất cho 7.571 hộ nghèo với 1.675 con trâu, bò; 86.450 con gia súc, gia cầm khác; hơn 100 xe bò, các loại máy móc phục vụ nông nghiệp và thâm canh trồng trọt trên 700ha lúa, hoa màu.

Nhờ đó, các xã thuộc Chương trình 135 cơ bản không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 25%. Từ nay đến năm 2015, tỉnh Hòa Bình phấn đấu mỗi năm giảm bình quân 3% số hộ nghèo (tương đương với 7.000 hộ thoát nghèo).

Chương trình 135 và các chính sách khác đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất gắn với thị trường, từng bước thay đổi tập quán canh tác.

Đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình biết áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần một cách bền vững, giảm khoảng cách phát triển giữa các dân tộc với vùng miền trong cả nước./.

Vũ Hào (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục