Chương trình 600 tỷ USD của FED không hiệu quả

Sau 6 tháng, những gì chương trình mua trái phiếu chính phủ trị giá 600 tỷ USD của FED đem lại cho Mỹ chưa được như mong đợi.
Ngày 30/6 đánh dấu thời điểm kết thúc chương trình mua trái phiếu chính phủ trị giá 600 tỷ USD mà Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đưa ra nhằm hỗ trợ phục hồi nền kinh tế sau khủng hoảng.

Sau nửa năm thực hiện, những gì chương trình gây tranh cãi này đem lại cho nền kinh tế số một thế giới chưa được như mong đợi.

Tháng 11/2010, FED bắt đầu chương trình mua vào 75 triệu USD trái phiếu chính phủ mỗi tháng cho đến hết tháng 6/2011. Mục đích của chương trình này là tăng tính thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, giúp các doanh nghiệp được tiếp cận tín dụng dễ dàng, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.

Sau nửa năm thực hiện, hiệu quả của chương trình này vẫn còn rất khiêm tốn. Trong quý I/2011, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vẫn ở mức cao 9,1%, trong khi tăng trưởng GDP chỉ đạt 1,9%. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ lại leo thang nhanh chóng lên mức 3,6%, mức cao trong các nền kinh tế phát triển. Điều này càng làm gia tăng gánh nặng nợ đang đè lên vai nhiều người dân Mỹ.

Nhiều chuyên gia cho rằng chính việc FED liên tục bơm tiền vào nền kinh tế là nguyên nhân đẩy lạm phát tăng cao; đồng thời, chương trình này cũng đã bơm thêm những bong bóng tài sản tại các nền kinh tế đang nổi như Trung Quốc và Brazil, tạo ra những nguy cơ cho kinh tế toàn cầu.

Nhiều nền kinh tế đang nổi khác thậm chí đã phàn nàn rằng chương trình của FED chẳng khác gì việc in thêm tiền, khiến cho đồng bạc xanh mất giá. Do đó, năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Mỹ trở nên mạnh hơn so với hàng hóa của các nước khác.

Bất chấp những ý kiến chỉ trích, tác giả của chương trình này, Chủ tịch FED Ben Bernanke vẫn khẳng định quyết định bơm tiền vào thị trường nói trên là hoàn toàn chính xác. Chương trình này đã có tác động ngăn nền kinh tế rơi vào giảm phát và suy thoái. Còn sự trì trệ của kinh tế Mỹ trong những tháng đầu năm 2011 là do tác động của những yếu tố bên ngoài, như khủng hoảng nợ công châu Âu và thảm họa động đất sóng thần tại Nhật Bản.

Mới đây, FED cho biết đang cân nhắc việc tung ra một chương trình nữa tương tự trong nửa cuối năm 2011. Dù hiện tại thể chế này chưa đưa ra quyết định chính thức, nhưng chắc chắn, chương trình trên sẽ tiếp tục gây ra nhiều tranh cãi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục