Chương trình Cầu truyền hình “Ký ức 27 tháng 7”

Chương trình cầu truyền hình "Ký ức 27 tháng 7" đã được diễn ra tại 5 điểm cầu TP.HCM, Tây Ninh, Quảng Nam, Hà Tĩnh và Thái Nguyên.
Tối 22/7, tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, đã diễn ra chương trình cầu truyền hình mang chủ đề "Ký ức 27 tháng 7" do Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Quân khu 7, Báo Quân đội Nhân dân và các Đài Phát thanh truyền hình Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Tây Ninh tổ chức.

Chương trình được diễn ra tại năm điểm cầu gồm Đền Bến Dược, Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh; Nghĩa trang liệt sỹ Đồi 82, Tân Biên, tỉnh Tây Ninh; Tượng đài Chiến thắng Núi Thành, tỉnh Quảng Nam; Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, tỉnh Hà Tĩnh và Khu di tích "Địa điểm công bố Ngày Thương binh Liệt sỹ toàn quốc 27/7/1947," tỉnh Thái Nguyên.

Chương trình được diễn ra trong gần 3 giờ đồng hồ, tập trung vào chủ đề tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ, các thương bệnh binh, gia đình chính sách, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; công tác đền ơn đáp nghĩa, quy tập liệt sỹ ở các địa phương; phát huy truyền thống yêu nước, xây dựng đất nước thời bình gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo…

Điểm nhấn của chương trình là cuộc gặp gỡ nhân chứng lịch sử với những cựu chiến binh, Anh hùng lực lượng vũ trang, những tấm gương tiêu biểu của thế hệ trẻ... trong thời bình, họ đã biết vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, vươn lên xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ đồng đội, đồng chí trở thành điểm sáng trong công cuộc dựng xây và bảo vệ đất nước.

Điểm cầu Thái Nguyên đã nhấn mạnh sự kiện cách đây 65 năm, Ban Tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc đã công bố bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng ý chọn ngày 27/7 hàng năm là Ngày Thương binh Liệt sỹ, kể từ đó đến nay, địa điểm ghi dấu "Ngày Thương binh toàn quốc” đầu tiên luôn là biểu tượng của tinh thần "Uống nước nhớ nguồn," "Ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc.

Chủ đề xuyên suốt chương trình tại điểm cầu Hà Tĩnh đó là hình ảnh của 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc, biểu tượng yêu nước của người phụ nữ Việt Nam.

Hình ảnh Củ Chi được tái hiện, biết đến với biểu tượng của tinh thần "đất thép, thành đồng," Trong suốt 30 năm kháng chiến, mảnh đất cửa ngõ Tây Bắc của Thành phố Hồ Chí Minh luôn là pháo đài thép cách mạng, giặc đã trút xuống đây hơn 240.000 tấn bom đạn và hàng ngàn trận bố ráp, càn quét, đánh đổi bao xương máu, quân và dân Củ Chi vẫn kiên cường bám trụ, chiến đấu đến ngày toàn thắng.

Tây Ninh mệnh danh là "Thủ đô kháng chiến của miền Nam," mảnh đất đứng chân của Trung ương Cục miền Nam, căn cứ Chính phủ cách mạng lâm thời.

Tại chương trình, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân đã ủng hộ hàng chục tỷ đồng để xây dựng Nhà tưởng niệm Đại đội thanh niên xung phong 915, Đội 91 Bắc Thái tại phường Gia Sàng, Thành phố Thái Nguyên./.

Lan Anh-Thu Hằng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục