Chương trình thơ trong ánh đèn dầu và nến

Trong 60 phút cúp điện hưởng ứng Giờ Trái Đất, chương trình Thơ, Sân khấu và Trái Đất sẽ biểu diễn trong ánh đèn dầu và nến.
Tối nay 27/3, chương trình Thơ, Sân khấu và Trái Đất sẽ diễn ra cùng lúc ba nơi (đọc thơ trước Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, sân khấu trước Đền Hùng và 5B Võ Văn Tần-Thành phố Hồ Chí Minh).

Đây là chương trình do công ty Sài Gòn Media và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức nhằm hưởng ứng Giờ Trái Đất và Ngày Sân khấu Thế giới.

Nhà báo Nguyễn Thế Thanh, nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Sài Gòn Media cho biết, trước khi thành phố cúp điện vào lúc 20 giờ 30, sân thơ sẽ trình diễn bốn tác phẩm "Nhớ Bắc" (Huỳnh Văn Nghệ), "Màu tím hoa sim" (Hữu Loan), "Thuyền và biển" (Xuân Quỳnh), "Hành phương Nam" (Nguyễn Bính) do các nghệ sĩ ngâm thơ nổi tiếng biểu diễn.

Trong vòng 60 phút cúp điện, sẽ có gần 50 nhà thơ đọc thơ của mình trong ánh đèn dầu và nến, nhà thơ cao tuổi nhất - Phan Vũ, sẽ đọc bài "Em ơi, Hà Nội phố." Khi điện sáng trở lại, các nhà thơ vẫn tiếp tục đọc thơ và giao lưu với khán giả.

Tại khu vực sân khấu, các nghệ sĩ nổi tiếng của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ diễn trích đoạn vở "Bà chúa thơ Nôm" do nghệ sĩ ưu tú Trần Minh Ngọc đạo diễn trên làn điệu cải lương và ca trù. Cùng lúc đó, tại Nhà hát 5B, vở kịch "Dòng nhớ" của đạo diễn Hạnh Thúy sẽ diễn mà không “xài” điện để hỗ trợ âm thanh, ánh sáng.

Theo bà, không dùng “điện” trong biểu diễn nghệ thuật có điểm hay hoặc chưa thuận lợi nào?

Nhà báo Nguyễn Thế Thanh: Nếu chiếu phim mà không có điện thì chắc chắn là không được. Nhưng với nhiều loại hình nghệ thuật khác, không dùng điện vẫn không ảnh hưởng gì hết. Ngược lại, nhờ biểu diễn không có sự hỗ trợ của điện, người nghệ sĩ mới khoe được hết tài năng đích thực của mình, như khoe giọng hát chẳng hạn. Tuy nhiên, không có sự hỗ trợ của điện thì khó mà diễn cho hàng ngàn người xem.

Mọi sự so sánh đều khập khiễng, song một chương trình hoành tráng với ánh sáng hết cỡ và âm thanh cực đại có hàng ngàn khán giả có thể vẫn không lấn át một đêm diễn “không dùng điện” chỉ phục vụ được một, hai trăm người dự. Như các buổi biểu diễn ở sân đình của các cụ thời xưa, bằng giọng hát tiếng đàn thật của mình, các cụ vẫn cuốn hút người xem. Tôi muốn nói rằng, khán giả đông thật đáng quý, nhưng khán giả ít mà tri kỷ, hiểu được nghệ thuật càng quý gấp bội.

Sau đêm Thơ, Sân khấu và Trái Đất, chương trình sẽ tái ngộ khán giả vào năm sau, thưa bà?

Nhà báo Nguyễn Thế Thanh: Tôi luôn ao ước làm những chương trình như thế này mỗi tháng một lần. Chúng ta có 12 đêm trăng tròn trong một năm, vậy tại sao không mượn ánh sáng của trăng cộng với đèn dầu và nến để đọc thơ, biểu diễn múa, diễn kịch...?

Thay vì nghệ thuật ở trong các khán phòng gắn máy lạnh, thì chúng ta đem nghệ thuật hòa vào thiên nhiên, nhờ thiên nhiên góp một vai vô cùng quan trọng để tạo nên sự thành công của nghệ thuật.

Tuy nhiên, để làm được điều này, không chỉ một mình Sài Gòn Media, mà phải có sự đồng thuận của các nghệ sĩ và khán giả nữa. Trước mắt, chúng tôi sẽ tổ chức những đêm đọc sách, kịch và thơ vào những đêm trăng sáng ở một không gian sân vườn. Đây cũng là cách kích cầu văn hóa đọc vậy.

Xin cảm ơn, chúc ý tưởng của bà thành công!

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục