Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao đáp ứng nhu cầu vốn ngắn, trung và dài hạn của tất cả các khâu trong liên kết lúa gạo (sản xuất-thu mua-chế biến-tiêu thụ).

Cánh đồng lúa tại huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)
Cánh đồng lúa tại huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Ngày 7/11, tại thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú nhấn mạnh, lúa gạo là một trong những ngành nông sản xuất khẩu chủ lực của nước ta.

Nhằm đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp, đáp ứng yêu cầu của xu thế quốc tế mới, khẳng định và giữ vững vị thế thương hiệu gạo của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1490/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.”

Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp về tín dụng nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển sản xuất, kinh doanh nói chung và trong sản xuất lúa chất lượng cao nói riêng.

Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp cho vay theo 2 giai đoạn (căn cứ vào 2 giai đoạn triển khai Đề án theo Quyết định 1490); trong đó, giai đoạn thí điểm từ nay tới cuối năm 2025 do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) là ngân hàng chủ lực cho vay; giai đoạn mở rộng là từ khi kết thúc thí điểm tới năm 2030 với sự tham gia của các tổ chức tín dụng.

Hiện nay, Agribank đã ban hành văn bản hướng dẫn nội bộ để triển khai thí điểm cho vay. Ngân hàng nhà nước khuyến khích các tổ chức tín dụng khác đăng ký cho vay trong giai đoạn thí điểm và đề nghị các ngân hàng sẵn sàng văn bản hướng dẫn để triển khai ngay trong giai đoạn mở rộng thực hiện.

vna_potal_agribank__don_bay_hieu_qua_trong_phat_trien_nong_nghiep_nong_thon_va_xay_dung_nong_thon_moi_6163569
Hoạt động giao dịch tại Agribank. (Ảnh: TTXVN)

Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), tổ chức tín dụng thực hiện cho vay bằng nguồn vốn tự huy động của tổ chức tín dụng. Do đó, việc cho vay thực hiện theo cơ chế thương mại với các điều kiện cho vay theo quy định hiện hành của tổ chức tín dụng đối với khách hàng.

Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp đáp ứng nhu cầu vốn ngắn, trung và dài hạn của tất cả các khâu trong liên kết lúa gạo (sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ).

Tổ chức tín dụng chủ động cân đối nguồn vốn, tiết giảm chi phí để xem xét áp dụng lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu 1%/năm so với lãi suất cho vay của kỳ hạn tương ứng đang áp dụng đối với khách hàng cùng kỳ hạn, cùng nhóm.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết để thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030,” Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí, còn lại là huy động từ nguồn lực xã hội, trong đó có nguồn vốn tín dụng.

Ngân hàng Agribank tiên phong thực hiện Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp. Đây là “cú hích,” động lực thúc đẩy các lực lượng tham gia Đề án.

Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho hay, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản số 8364/NHNN-TD hướng dẫn các tổ chức tín dụng triển khai Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Agribank đã ban hành các văn bản hướng dẫn nội bộ, các sản phẩm cho vay cụ thể tới từng nhóm đối tượng khách hàng để tổ chức triển khai Chương trình.

Hiện nay, Agribank đang xây dựng sản phẩm cho vay khép kín tới tất cả đối tượng tham gia Chương trình 1 triệu ha lúa, từ hộ gia đình, cá nhân trồng lúa đến các đơn vị cung cấp nguyên vật liệu đầu vào, đơn vị chế biến xuất khẩu.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, đến cuối tháng 10/2024, tổng dư nợ cho vay của Agribank đạt khoảng 262.000 tỷ đồng, dư nợ nông nghiệp nông thôn đạt trên 214.000 tỷ đồng, chiếm tới gần 82% tổng dư nợ; trong đó, lúa gạo là sản phẩm chủ lực với dư nợ gần 33.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 12,5% tổng dư nợ.

Lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã… bày tỏ phấn khởi khi triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp.

Với sự quyết tâm, triển khai đồng bộ của bộ, ngành, địa phương và của các tổ chức tín dụng, việc triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi được kỳ vọng sẽ đạt hiệu quả tích cực.

Qua đó, góp phần nâng cao sản lượng và giá trị xuất khẩu ngành hàng lúa gạo, mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu và nâng cao vị thế của ngành hàng lúa gạo Việt Nam trên trường quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục