Chuyến bay bị hoãn do hành khách mang ''động vật hỗ trợ cảm xúc''

Chuyến bay của hãng hàng không Frontier Airlines từ Orlando đến Cleveland của Mỹ đã bị hoãn khoảng 2 giờ đồng hồ để cảnh sát hộ tống một nữ hành khách rời khỏi máy bay, khi cô mang theo một con sóc.
Chuyến bay bị hoãn do hành khách mang ''động vật hỗ trợ cảm xúc'' ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: AP)

Ngày 9/10, chuyến bay của hãng hàng không Frontier Airlines từ Orlando đến Cleveland của Mỹ đã bị hoãn khoảng 2 giờ đồng hồ để cảnh sát hộ tống một nữ hành khách rời khỏi máy bay, khi cô mang theo một con sóc - “động vật hỗ trợ cảm xúc.”

Theo truyền thông Mỹ, nữ hành khách đã thông báo cho hãng hàng không Frontier Airlines khi đặt vé trên chuyến bay về việc cô đang sử dụng "động vật hỗ trợ cảm xúc." Tuy nhiên, nữ hành khách không nói rõ động vật mà cô sử dụng đó là một con sóc.

Tại Mỹ, “động vật phục vụ” hoặc “động vật hỗ trợ” thường được sử dụng như công cụ điều trị để trợ giúp người khuyết tật và có thể được kết hợp như là một phần không thể thiếu của quy trình điều trị.

“Động vật phục vụ” hoặc hỗ trợ thường là chó hay mèo, tuy nhiên người thuê và nhà cung cấp công cụ điều trị cho họ có thể chỉ định bất kỳ động vật nào nếu đáp ứng các yêu cầu của luật pháp Mỹ và được gọi bằng nhiều tên khác nhau như “động vật hỗ trợ cảm xúc,” “động vật phục vụ,” “động vật điều trị” và “động vật đồng hành.”

[Hành khách mang hành lý quá cước, lăng mạ nhân viên hàng không]

Sau khi yêu cầu nữ hành khách trên rời khỏi máy bay cùng với “động vật hỗ trợ cảm xúc” bất thành, Hãng hàng không Frontier Airlines buộc phải nhờ đến sự can thiệp của cảnh sát bang Orlando. Các hành khách khác cũng phải rời khỏi máy bay trong khi cảnh sát đưa nữ hành khách trên vào sân bay.

Sự cố trên xảy ra sau khi nhiều hãng hàng không của Mỹ thắt chặt kiểm soát các loại “động vật hỗ trợ cảm xúc” trên máy bay.

Hãng hàng không Frontier Airlines đưa ra quy định không cho phép “động vật gặm nhấm” lên máy bay, kể cả loài sóc và cấm các loại chó Pitbull như một trong những thú vui hoặc “động vật phục vụ” trên các chuyến bay sau khi một số nhân viên của hãng bị cắn trong năm nay.

Trong khi đó, Delta Airlines thông báo vào đầu năm nay về việc hành khách phải cung cấp thông tin trước 48 giờ và nộp ba mẫu đơn để được phép mang động vật lên máy bay.

Trong năm qua, các hãng hàng không khác như United Airlines, American Airlines và Southwest Airlines cũng đã áp dụng chính sách riêng của mình về việc mang “động vật hỗ trợ” lên máy bay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục