Cứ đổi là xong?

Chuyện bịch sữa “khổng lồ”: Cứ đổi là xong?

Chị Dung "tá hỏa" khi phát hiện một túi sữa phồng to bất thường. Chị được đề nghị đổi sản phẩm mới nhưng không thấy yên tâm.

Trên đường đi làm về, chị Dung đã ghé vào cửa hàng quen thuộc ở Văn Chương (Hà Nội) mua sữa bịch của Vinamilk cho con. Đã mua quen ở cửa hàng này, lại chuyên sử dụng Vinamilk nên hầu như chị không bao giờ kiểm tra hàng hóa trước khi ra về.

 

Hôm sau, nữ nhân viên văn phòng 41 tuổi này tá hỏa khi phát hiện một túi sữa phồng to bất thường. Ngay lập tức, chị đã tìm đến cửa hàng trên để khiếu nại.

 

Ngày 17/8, chị Dung được một nhân viên của Vinamilk đến gặp, đề nghị đổi sản phẩm ngoại cỡ trên lấy sản phẩm mới cùng loại của nhà sản xuất.

 

Tuy nhiên, lo lắng trước sản phẩm rất có thể sẽ gây hại cho đông đảo người sử dụng, chị Dung đã đề nghị phía Vinamilk kiểm tra và nếu cần thì “thu hồi ngay sản phẩm và phải truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhằm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.”

 

“Tôi mới chỉ phát hiện ra một trong số các bịch sữa bị phồng, nhưng trước đó, con tôi còn bé đã uống vài bịch. Giờ tôi phải theo dõi, không biết cháu có làm sao không? Ai dám đảm bảo bịch sữa cháu đã uống không phải bịch sữa ‘khổng lồ’ khi trẻ con thường thích vật to,” chị Dung lo lắng.

 

Bịch sữa “lớn phổng” do… vận chuyển?

 

Cũng trong ngày 17/8, chị Dung đã nhận được công văn số 08/08/CV-TS.QA/09, do Giám đốc nhà máy Sữa Tiên Sơn (Công ty cổ phần Sữa Việt Nam) Tô Việt Bắc ký tên.

 

Tại công văn trên, Giám đốc Bắc nói, lô hàng trên được sản xuất ngày 14/07/2009 và hạn sử dụng tới hết ngày 14/10/2010. Số lượng của lô hàng là 139.800 bịch sản phẩm.

 

Trong quá trình sản xuất, nhà máy đã tiến hành kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ cảm quan, hóa lý, vi sinh. Tất cả các quá trình đều thực hiện theo tiêu chuẩn ISO 9000:2000..., đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và đạt chất lượng theo tiêu chuẩn đã công bố.

 

Giám đốc Bắc cũng cho hay, sau khi nhận được tin báo của chị Dung, nhà máy đã kiểm tra mẫu của lô hàng đã lưu lại. Kết quả, chất lượng của mẫu này vẫn đạt chất lượng như khi xuất xưởng.

 

Về lý do hộp sữa bị phồng, vị đại diện này của Vinamilk khẳng định, “trong quá trình vận chuyển và bảo quản, nếu không tuân thủ đúng yêu cầu nghiêm ngặt đối với sản phẩm sẽ gây tổn thương bao bì, tạo điều kiện cho vi khuẩn từ môi trường xâm nhập vào sữa và gây hỏng sản phẩm.”

 

Ở trường hợp bịch sữa mà chị Dung khiếu nại, bao bì cũng bị tổn thương.

 

Về vấn đề sữa phình to, Phó giáo sư-Tiến sĩ Ngô Quốc Quyền (Viện Hóa học) nói rằng, khi sản phẩm sữa bị hở, việc vi khuẩn xâm nhập, lên men và làm phồng là bình thường. Song, chất lượng của sữa sẽ bị giảm đi, nếu có vi khuẩn độc sẽ gây hại cho cơ thể.

 

Còn đông đảo dư luận đặt câu hỏi, chẳng lẽ mỗi lần bịch sữa phồng, sữa chua bị mốc… nhà sản xuất chỉ làm mỗi một thao tác đổi sản phẩm mới là xong chuyện?

 

Không chấp nhận “ban ơn”
 

Đây không phải lần đầu tiên một sản phẩm hoàn chỉnh, đem ra thương mại hóa của Vinamilk bị lỗi. Trước đó, báo chí đã phản ánh nhiều trường hợp sữa chua bị nấm mốc… khi đến tay khách hàng.

 

Tháng 5/2008, báo Khoa học & Đời sống đăng tin ông Phùng Kim Tâm tại Hạ Long phản ánh việc mua phải sữa chua Vinamilk bị nấm mốc tuy hạn sử dụng đến ngày 7/6/2008. Đại diện bộ phận quản lý chất lượng của Vinamilk trả lời rằng, có thể những hộp sữa chua ông Tâm mua được bảo quản không đúng nhiệt độ quy định hoặc vận chuyển không đúng quy cách. Đây cũng là câu trả lời với trường hợp tương tự của khách hàng Nguyễn Thị Hồng Lợi ở Phú Thọ vào ngày 21/4.

 

Không khó để nhận thấy, việc vận chuyển sữa Vinamilk do các “bác tài” lái xe máy chở đằng sau những thùng sữa chua mà không hề có thiết bị làm lạnh hoặc chống xóc là chuyện “thường ngày ở huyện.” Do đó, việc sữa bị hỏng bao bì, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập làm hỏng có lẽ cũng là điều dễ hiểu.

 

Nhưng tuy đã hơn một lần Vinamilk xác định vận chuyển là nguyên nhân làm hỏng sản phẩm, dường như không có biện pháp nào để thay đổi phương thức vận chuyển thô sơ vẫn áp dụng lâu nay.

 

Ở sự việc bịch sữa ngoại cỡ mà chị Dung mua phải, còn có một bức xúc nữa từ phía “thượng đế” khi trong công văn trả lời số 08/08/CV-TS.QA/09, do ông Tô Việt Bắc, Giám đốc nhà máy Sữa Tiên Sơn (Công ty cổ phần Sữa Việt Nam) có đoạn: “Chúng tôi sẽ đổi sản phẩm mới cho khách hàng, dù nguyên nhân là do quá trình bảo quản và vận chuyển.”

 

“Chẳng lẽ, liên quan khâu bảo quản và vận chuyển của Vinamilk, còn khách hàng thì tin tưởng mà không kiểm tra, rồi phải chịu sự ‘ban ơn’ ấy hay sao?,” chị bực tức.

 

Người dùng phải tự lo cho mình?
 

Về việc đổi sản phẩm mới của nhà sản xuất, nhiều người dân mà phóng viên Vietnam+ hỏi đều bày tỏ điều mà họ mong muốn không phải là đổi lấy một sản phẩm mới, trị giá vài nghìn đồng. Quan trọng hơn, đó chính là được bảo đảm an toàn khi sử dụng.

 

“Giả dụ, nếu cháu uống phải sữa bị lỗi, hỏng…, có bị tiêu chảy thì chúng tôi còn biết đường, nhưng nhỡ gặp phải vi khuẩn nào đó, gây độc hại về lâu về dài thì biết làm thế nào? Lúc ấy, ai sẽ là người tìm nguyên nhân, ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm?” chị Sa ở Cầu Bươu, Thanh Trì, lo lắng.

 

Về vấn đề này, ông Đỗ Gia Phan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, nói, việc lỗi trong quá trình vận chuyển nhiều khi khó tránh. Bởi thế, ông khuyến cáo người tiêu dùng nên cẩn trọng kiểm tra trước khi mua hàng từ cửa hàng về nhà.

 

Đồng tình, song, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Quốc Quyền (Viện Hóa học) bổ sung, ngoài việc đổi lấy sản phẩm bị hỏng, nhà sản xuất cần chủ động trong quản lý việc vận chuyển tới nơi tiêu thụ. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần có chế độ thanh, kiểm tra, xử phạt mạnh hơn nữa đối với trường hợp chở sữa từ các đại lý đến cửa hàng không có những thiết bị bảo quản./.

 
Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục